Mục tiêu của kế hoạch chuyển đổi số năm 2023, định hướng đến năm 2025 do UBND tỉnh ban hành là hướng đến đổi mới căn bản và toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành; xây dựng, phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành, tạo nền tảng xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số…
Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT – Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh, về giải pháp để hiện thực hóa các mục tiêu này.
Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT - Phó trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh. Ảnh: T.LỢI |
* Năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số. Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật?
- Bình Định đang triển khai thực hiện CĐS đồng bộ từ “trên xuống và dưới lên”, với mục tiêu cao nhất là lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ, lấy sự hài lòng của DN, người dân làm thước đo. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai các nhiệm vụ ở cả 3 trụ cột về xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đơn cử, trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đến nay, tỉnh đang cung cấp 1.315 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (chiếm gần 72% tổng số thủ tục hành chính của tỉnh), 97 dịch vụ công trực tuyến một phần (chiếm 5,28% tổng số thủ tục hành chính của tỉnh)… Đồng thời, đang triển khai thí điểm nhiều nền tảng số ở một số lĩnh vực quan trọng, như: Hệ thống ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh; hệ thống theo dõi phương tiện giao thông đường bộ ra vào tỉnh; hệ thống camera giám sát các cảng cá; cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức (đã cập nhật hơn 99% dữ liệu và bảo đảm dữ liệu đúng - đủ - sạch - sống); hoàn thành việc thử nghiệm hệ thống IOC giáo dục; xây dựng, duy trì hoạt động các ứng dụng dùng chung toàn tỉnh, như: Văn phòng điện tử, một cửa điện tử, các ứng dụng tài chính, hội nghị trực tuyến, thư điện tử công vụ...
* Tỉnh ta đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm hơn 20%. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh sẽ làm gì để đảm bảo hoàn thành mục tiêu này, thưa ông?
- Trước mắt, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh sẽ tập trung công tác chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20.9.2021 của Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 25.4.2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU. Đồng thời, khuyến nghị các đơn vị liên quan tích cực đẩy mạnh việc hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS trong các hoạt động quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh. Triển khai 30 nhiệm vụ xây dựng các cơ sở dữ liệu, ứng dụng chuyên ngành về CĐS trong năm 2023 (quản lý đất đai, khoáng sản, thông tin trường học, các nền tảng chuyên ngành y tế và hệ thống EMR, bản đồ số dùng chung, phòng họp không giấy, xây dựng kho dữ liệu số tỉnh...). Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động về thúc đẩy triển khai CĐS trên địa bàn, trong đó có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn cho ĐVTN hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các nền tảng số (dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, mua bán trên sàn thương mại điện tử…).
akaCam phân tích hành vi, theo dõi và ghi lại hoạt động của con người trong văn phòng do kỹ sư Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn (QAI - FPT Software) nghiên cứu. Ảnh: T.LỢI
Đặc biệt là tập trung phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh với nhiều nhiệm vụ, như: Triển khai dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ với quy mô khoảng 94 ha tại phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn). Phấn đấu đến năm 2025, Bình Định trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của Việt Nam. Có cơ chế chính sách để thu hút các chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đến làm việc tại Bình Định nói chung và Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định nói riêng để đạt được mục tiêu đưa Bình Định trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của Việt Nam vào năm 2025…
* Vậy theo ông đâu là vấn đề then chốt?
- Trước tiên, lãnh đạo các đơn vị phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác CĐS tại cơ quan, đơn vị, ngành. Người đứng đầu phải quyết tâm hành động, nắm được nội dung CĐS cần triển khai, phải ứng dụng và sử dụng được hệ thống, sau đó tổ chức phân công cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị sử dụng. Trong quá trình CĐS, chính quyền giữ vai trò chủ đạo, còn người dân là chủ thể vừa sử dụng, vừa tương tác, góp ý để phát triển, hoàn thiện các sản phẩm CĐS phù hợp, hiệu quả.
Sở TT&TT đóng vai trò “thuyền trưởng” chủ trì, phối hợp với các sở ngành, liên quan thực hiện rà soát, đánh giá an toàn thông tin mạng và triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tránh lộ lọt thông tin. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động để người dân, DN về hiệu quả và lợi ích của CĐS; chủ động và tích cực tham gia sử dụng các giải pháp công nghệ, đặc biệt là các ứng dụng/nền tảng số, góp phần nâng cao kỹ năng số, thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử, từng bước hình thành công dân số, xã hội số.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện) - Nguồn Báo Bình Định