CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
Cẩn trọng phòng bệnh khi thời tiết thất thường
Thứ hai 01/08/2022 16:33

Theo các cơ sở y tế, hiện nay lượng người đến khám chữa bệnh giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thời tiết trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu chuyển mùa, dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng sẽ có xu hướng gia tăng. Do vậy, mọi người nên có ý thức phòng bệnh, đến ngay cơ sở y tế nếu có dấu hiệu bất thường, tránh để bệnh chuyển nặng.

Đến nay toàn tỉnh ghi nhận 1.435 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó cao nhất là huyện Hoài Ân với 453 ca mắc, các địa phương khác như: An Nhơn, Tây Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn cũng có số ca mắc bệnh cao.

Để phòng, chống sốt xuất huyết, người dân nên đổ nước đọng xung quanh nơi ở. Ảnh: Đ. THẢO

Ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc TTYT huyện Hoài Ân cho hay, từ đầu năm đến nay, Hoài Ân ghi nhận 453 ca SXH, tập trung ở thị trấn Tăng Bạt Hổ và các xã: Ân Phong, Ân Đức, Ân Tín. Mưa nắng thất thường nên tình hình dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp. Từ giờ đến cuối năm, ngành Y tế và các cấp chính quyền Hoài Ân cố gắng chung tay diệt bọ gậy, triển khai các hoạt động phòng, chống SXH.

Tại BVĐK tỉnh, số ca mắc SXH nặng tăng dần, đặc biệt là hiện tượng nhiều trẻ em mắc SXH. Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng Khoa Nhi (BVĐK tỉnh), chia sẻ: Phòng khám Nhi của BVĐK tỉnh mỗi ngày khám khoảng 200 bệnh nhân, sau đó khoa Nhi tiếp nhận điều trị nội trú từ 150 - 170 bệnh nhân/ngày, cao hơn số giường bệnh thực kê. Vì là tuyến tỉnh nên khi bệnh nhân vào khoa, đa số đã ở tình trạng nặng. Đặc biệt có nhiều ca SXH nặng với tình trạng sốc, tổn thương gan, tổn thương tim; một số bệnh nhân tay chân miệng thì vào viện với mức độ 2B, mức độ 3, dẫn đến tình trạng biến chứng rất nặng.

Thời tiết thất thường là lúc dễ bị mắc bệnh, do đó bác sĩ Dũng lưu ý: Phụ huynh nên cho trẻ ăn đầy đủ để nâng sức đề kháng. Bên cạnh đó, nên cho trẻ tiêm chủng đầy đủ các bệnh phổ biến như bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi, bại liệt, não mô cầu, phế cầu. Đặc biệt với bệnh SXH, các cha mẹ hết sức lưu ý đổ nước đọng trong những vật dụng không dùng đến, vật dụng chứa nước phải đậy nắp, thậm chí có thể thả cá diệt lăng quăng, phát quang bụi rậm. Đồng thời cho trẻ mặc đồ dài tay, ngủ màn. Khi trẻ mắc bệnh phải cho trẻ uống hạ sốt, đưa trẻ đến cơ sở y tế để xác định nguyên nhân, hướng dẫn điều trị phù hợp, tránh để bệnh nặng.

Về SXH, ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Từ tháng 4 trở về trước, số ca bệnh SXH rất ít nhưng từ tháng 5 thì số ca mắc có dấu hiệu tăng dần và loại vi rút cũng đa dạng hơn nên tình hình dịch sẽ phức tạp hơn trong các tháng còn lại của năm. Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã đi giám sát một số điểm. Nhìn chung các đơn vị đã chủ động triển khai điều tra xử trí các ổ dịch. Một số địa phương đã chủ động, tích cực xử lý như Hoài Ân, Phù Cát. Tuy nhiên hoạt động phòng, chống SXH ở các địa phương đang có diễn biến rất lạ là cơ quan y tế dường như đơn độc, tại nhiều nơi chính quyền và các ban,  ngành vào cuộc chưa rõ rệt, ít tích cực. Để phòng, chống SXH, thời gian đến, các TTYT phải giám sát thường xuyên chỉ số côn trùng để xử trí chủ động ngay khi chỉ số côn trùng vượt trên ngưỡng an toàn, đặc biệt là mật độ muỗi và bọ gậy; xử lý tất cả ổ dịch trong vòng 48 giờ. Từ tháng 7, bắt đầu bước vào mùa mưa, các địa phương nên xây dựng và triển khai các biện pháp xử trí chủ động bệnh SXH ngay.

Còn đối với bệnh tay chân miệng, ông Bùi Ngọc Lân thông tin thêm: Đến nay toàn tỉnh ghi nhận 155 trường hợp tay chân miệng. Hiện bệnh này chưa có gì đột biến, tuy nhiên các TTYT phải tăng cường giám sát và xử lý nhanh các ca bệnh để tránh lây lan.

Nguồn Báo Bình Định