CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
Triển khai bệnh án điện tử tại Bình Ðịnh: Vẫn còn nhiều khó khăn
Thứ tư 29/06/2022 14:12

Triển khai thực hiện bệnh án điện tử sẽ mang lại nhiều tiện ích cho người bệnh lẫn đội ngũ nhân viên y tế, nhưng không dễ thực hiện được điều này vì nhiều lý do

Bệnh án điện tử (Electric Medical Record - EMR) đóng vai trò rất quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh bởi đây là cơ sở dữ liệu y khoa quan trọng, chứa đựng tất cả mọi thông tin về bệnh nhân từ chẩn đoán đến điều trị, biến động của các chỉ số sinh hóa, biểu đồ thuốc đã dùng…

Nhiều lợi ích

Hiện, BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Bồng Sơn, TTYT TX An Nhơn là 3 cơ sở triển khai EMR mạnh nhất trong toàn tỉnh. Các bệnh viện này đã triển khai những hệ thống phần mềm quan trọng như: HIS (quản lý bệnh viện), LIS (quản lý thông tin phòng xét nghiệm), PACS (quản lý thông tin lưu trữ và thu giữ hình ảnh). Nhờ đó, việc liên thông các dữ liệu trở nên dễ dàng, nhanh chóng.

Triển khai EMR giúp bác sĩ, điều dưỡng có nhiều thời gian hơn để chăm sóc bệnh nhân.  Ảnh: T. KHUY

Về hiệu quả của EMR, BS CKII Võ Bảo Dũng, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, chia sẻ: Nhờ EMR số hóa thông tin nên khi cần, bác sĩ truy xuất mọi dữ liệu dễ dàng và đặc biệt là khả năng liên thông. Với khả năng liên thông, khi cần hội chẩn từ xa, mọi việc trở nên rất thuận lợi. Hơn nữa bệnh án rất sạch, rõ ràng”.

Còn tại TTYT TX An Nhơn, đơn vị đầu tiên triển khai EMR từ năm 2019, BS CKII Lê Thái Bình, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Khi vận hành EMR, ngoài thuận tiện trong việc lưu trữ hồ sơ bệnh án, ưu điểm rất lớn của EMR mà chỉ bác sĩ và điều dưỡng mới thật sự cảm nhận được là chúng tôi có nhiều thời gian để chăm sóc bệnh nhân hơn. Ngày trước, bác sĩ, điều dưỡng phải viết rất nhiều, nói không ngoa là bác sĩ, điều dưỡng “chăm sóc” bệnh án còn nhiều hơn chăm sóc bệnh nhân. Với EMR, chúng tôi rút ngắn được rất nhiều thời gian dành cho bệnh án.

EMR gồm tổng hòa nhiều phần mềm khác nhau, như: HIS, LIS, PACS… Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng phân tích: EMR là tổng hòa các mối quan hệ trong bệnh viện. Ngành Y tế rất quan tâm việc triển khai EMR. Có một số nền tảng để làm bệnh án điện tử, ngành cũng đã triển khai khá là tốt. Thứ nhất là đã kết nối liên thông phần mềm theo hàng dọc - khám chữa bệnh tuyến xã và tuyến huyện, đây là khâu cực kỳ khó; tiếp theo là kết nối đồng thời theo hàng ngang - tuyến huyện với tuyến huyện và  hàng dọc - huyện kết nối với tỉnh. Hiện, các cơ sở y tế ở tỉnh ta thống nhất sử dụng phần mềm đồng bộ do Viettel cung cấp, tạo ra thuận lợi rất lớn trong việc kết nối các dữ liệu với nhau, từ dữ liệu khám chữa bệnh đến dữ liệu BHYT. Ngành Y tế Bình Định cũng là một đơn vị đi đầu trong công tác làm hóa đơn điện tử nhờ sự liên thông, thống nhất này.

Nhưng khó triển khai đến cùng

Bên cạnh nhiều thuận lợi, nói thêm về khó khăn đặc biệt do chính sách không theo kịp thực tế đời sống, BS CKII Lê Thái Bình chia sẻ: Khi triển khai PACS để liên thông dữ liệu, việc chẩn đoán hình ảnh rất tiện lợi, ví dụ sau khi chụp X-quang, phim CT, bác sĩ lâm sàng có thể xem kết quả trên hệ thống và cho chỉ định thuốc, cấp cứu bệnh nhân mà không chờ in phim, tức là vừa tiết kiệm thời gian mà lại giảm thiểu chất thải nhựa. Nhưng không có phim thì BHYT sẽ từ chối thanh toán, nên vẫn phải in phim.

Mặt khác, đối với các cơ sở y tế nhỏ, việc tự triển khai EMR thật không đơn giản. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, Phó giám đốc TTYT huyện Vân Canh, chia sẻ: Nghe các lợi ích của EMR, ai cũng ham nhưng chúng tôi chỉ mới manh nha làm một số thao tác cơ bản thôi vì chúng tôi thiếu nhiều thứ quá, ví dụ hiện mỗi khoa phòng chỉ có 1 máy vi tính để bàn. Bấy nhiêu thôi là đủ thấy khó khăn rất nhiều rồi. Chúng tôi mong sớm được sắp xếp nguồn lực đầu tư để thực hiện EMR.

Hiện nay nhiều cơ sở y tế trong tỉnh đã bắt đầu số hóa được bệnh án, nhưng để tiến đến EMR, hầu hết đều ngần ngại bởi EMR yêu cầu phải triển khai đồng thời các hệ thống phầm mềm cơ bản như: HIS, LIS, PACS…, cần chi phí lớn. Trong khi đó chi phí về công nghệ thông tin lại nằm trong chi phí quản lý, và trở ngại là giá dịch vụ y tế lại không được bao gồm chi phí quản lý, nên rất khó để áp dụng EMR. Dù vậy, các đơn vị y tế hiện buộc phải tự đầu tư để số hóa, vì có như vậy thì mới kết nối liên thông được với cổng thông tin BHYT để BHYT giám định trực tuyến. Nhưng nhiều cơ sở y tế trong tỉnh cũng chỉ dừng lại ở mức độ đó.

Nói về những mắc míu này, ông Lê Quang Hùng cho biết: Để tiến đến áp dụng EMR, vấn đề cơ bản là kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng, mua phần mềm, rồi duy trì, đầu tư phát triển bởi cơ sở dữ liệu lưu trữ ngày càng lớn. Bên cạnh đó còn là vấn đề bảo mật thông tin. Bí mật thông tin sức khỏe bệnh nhân rất quan trọng, nó được pháp luật bảo vệ. Nhưng hiện nay thể chế, các văn bản quy phạm pháp luật; tài chính; cơ chế quản lý; giải pháp công nghệ, đặc biệt là giải pháp công nghệ về an ninh của ta đều chưa hoàn chỉnh và đầy đủ. Như vậy, để hoàn thành và nhanh chóng phổ biến EMR là rất khó, bởi ta chưa có hành lang pháp lý và các yếu tố liên quan thống nhất, đồng bộ với nhau. Thành ra trong quá trình chuyển đổi số của ngành Y tế, ta phải vừa làm vừa hoàn thiện.  

THẢO KHUY - Nguồn Báo Bình Định