CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
KIỂM SOÁT MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH: Giải quyết bình đẳng giới là cốt lõi
Thứ ba 12/04/2022 10:39

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định. Kế hoạch nhằm khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên.

Tín hiệu tốt nhưng không chủ quan

Tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của toàn quốc năm 2011 là 111,9 và của Bình Định là 112. Đến năm 2016, TSGTKS của toàn quốc tăng lên 112,2, của Bình Định là 111,6; đến năm 2017, TSGTKS của Bình Định là 112,3. Nhờ thực hiện các biện pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), TSGTKS của Bình Định có dấu hiệu giảm. Cụ thể, năm 2018 TSGTKS của Bình Định là 108,3 và năm 2019 là 108,5.

 

Quan niệm sống cực kỳ quan trọng đối với vấn đề điều chỉnh mất cân bằng giới tính khi sinh . Ảnh: Đ. THẢO

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ, cho biết: Đối với tỉnh Bình Định, được sự quan tâm của tỉnh, tình trạng MCBGTKS ở Bình Định không căng thẳng và không áp lực như các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Nhưng nếu chúng ta chủ quan thì điều đó sẽ ảnh hưởng lâu dài. 10 năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Y tế đã triển khai nhiều hoạt động can thiệp nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng TSGTKS và đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên, điều này không bền vững, TSGTKS năm 2020 vẫn còn ở mức trên 110 là do việc kiểm soát MCBGTKS còn nhiều khó khăn, phức tạp, nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi các giá trị Nho giáo, nhận thức còn hạn chế, đồng thời các vi phạm về lựa chọn giới tính thai nhi còn khá phổ biến, những biện pháp can thiệp chưa đủ mạnh, thiếu đồng bộ…

Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ, năm 2021, Phù Mỹ là địa phương có TSGTKS cao nhất với 127,1. Tiếp đó là huyện Hoài Ân với 116,7; huyện Phù Cát với 113,2; huyện An Lão với 112,8; huyện Tuy Phước là 111,5… Theo đánh giá của cán bộ làm công tác dân số các địa phương, nguyên nhân dẫn đến TSGTKS vẫn tăng cao ở các địa phương là do tư tưởng thích con trai và đặc trưng ngành nghề cần lao động nam.

Theo ông Nguyễn Văn Quang, TSGTKS của Bình Định ở mức trên 110 và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên nếu không có những biện pháp cụ thể, sâu sát. MCBGTKS xảy ra ở cả thành thị và nông thôn. MCBGTKS sẽ dẫn đến tình trạng “thừa nam, thiếu nữ” trong tương lai, làm biến đổi các chỉ số nhân khẩu học, tác động tiêu cực đến cuộc sống cá nhân, gia đình, xã hội, đến ANTT, an toàn xã hội và sẽ trở thành thảm họa đối với dân tộc và sự phát triển bền vững của tỉnh cũng như của cả nước, nếu không được can thiệp kịp thời.

Nhân viên y tế tiến hành sàng lọc sơ sinh cho trẻ. Ảnh: Đ. THẢO

Tiếp tục kiểm soát MCBGTKS

Mục tiêu của Đề án Kiểm soát MCBGTKS là khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng TSGTKS, tiến tới đưa TSGTKS trở lại mức cân bằng tự nhiên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh Bình Định. Cụ thể là giảm tốc độ gia tăng TSGTKS xuống dưới mức 0,2 điểm phần trăm/ năm; đưa tỷ số này dưới mức 108 vào năm 2025, giảm dần về mức cân bằng tự nhiên vào năm 2030.

TSGTKS được tính bằng số trẻ em trai so với số trẻ em gái sinh ra sống trong cùng một khoảng thời gian, thường được tính trong vòng một năm. Tỷ số này trong khoảng 103 - 106 trẻ em trai so với 100 trẻ em gái được coi là mức cân bằng hay còn gọi là mức sinh học tự nhiên. Tỷ số này nằm ngoài khoảng trên là MCBGTKS.

Để làm được điều này, Đề án đưa ra nhiều giải pháp như truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS. Tuyên truyền vận động trực tiếp về kiểm soát MCBGTKS đến các đối tượng tại cộng đồng, tại địa bàn cư trú thông qua mạng lưới cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn và tuyên truyền viên của các ngành, đoàn thể ở cơ sở. Bên cạnh đó, tổ chức truyền thông, tư vấn trực tiếp cho nam/nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn, người cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính tự nhiên. Đưa nội dung về kiểm soát MCBGTKS vào chương trình giảng dạy tại cơ sở giáo dục, Trường Chính trị tỉnh, Trường CĐ Y tế Bình Định. Xây dựng, thử nghiệm và mở rộng triển khai các mô hình như: Mô hình lồng ghép nội dung kiểm soát MCBGTKS, giới, bình đẳng giới trong các trường trung học thông qua hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; mô hình lồng ghép nội dung kiểm soát MCBGTKS vào hương ước, quy ước của làng, thôn, khu phố; mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái để tôn vinh, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Quang, quan niệm sống cực kỳ quan trọng đối với vấn đề điều chỉnh MCBGTKS. Bởi thế, trong công tác dân số việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức nhằm kiểm soát MCBGTKS rất quan trọng. Giải quyết bình đẳng giới là cốt lõi của vấn đề kiểm soát MCBGTKS.

Nguồn Báo Bình Định