Thành lập từ năm 2008, với nhiều nỗ lực, Khoa Ung bướu (BVÐK tỉnh) tiến những bước dài trong điều trị ung thư. Ðặc biệt, Khoa vừa được tỉnh đầu tư máy xạ trị mới để triển khai kỹ thuật xạ trị IMRT (Intensity Modulated Radiation Therapy).
Để điều trị ung thư, Khoa Ung bướu có các bộ phận: Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chống đau, chăm sóc triệu chứng. Qua đó, các bác sĩ của Khoa có thể phẫu thuật các bệnh lý ung thư và bướu lành thuộc vùng đầu mặt cổ, tuyến vú, tuyến giáp, hạch, bướu phần mềm; điều trị các bệnh ung thư bằng hóa chất, hóa trị nhắm trúng đích, liệu pháp nội tiết theo phác đồ; điều trị các bệnh ung thư bằng máy xạ trị gia tốc thẳng theo đúng phác đồ phù hợp; điều trị giảm đau, tư vấn và chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng cho bệnh nhân ung thư.
Bác sĩ Khoa Ung bướu kiểm tra trước khi xạ trị cho bệnh nhân. Ảnh: Đ. THẢO
Hiện tại Khoa có 1 máy xạ trị gia tốc thẳng, 1 máy CT Scanner mô phỏng, 1 hệ thống lập kế hoạch xạ trị. Đến cuối năm 2022, Khoa sẽ tiếp nhận máy xạ trị mới do tỉnh đầu tư, thiết bị này có thể triển khai cả kỹ thuật xạ trị 3D - CRT (kỹ thuật hiện tại) và IMRT (xạ trị điều biến cường độ chùm tia).
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Minh Trí, Trưởng Khoa Ung bướu, ưu điểm của kỹ thuật xạ trị IMRT là ít gây tổn thương mô lành xung quanh. Xạ bình thường phải đổ khuôn đúc chì để che chắn mô lành xung quanh để khi chiếu xạ đỡ gây tổn thương những nơi đó. Tuy nhiên do làm bằng tay nên không thể tránh được sai sót. Triển khai kỹ thuật mới xạ trị IMRT, thay vì đổ khuôn chì, máy sẽ có hệ thống tự sắp xếp theo hình dạng khối u, khi xạ sẽ đỡ tổn thương vùng xung quanh, lượng tia xạ sẽ tập trung vô khối u nhiều hơn, nên hiệu quả điều trị nhiều và đỡ biến chứng hơn. Trước khi sử dụng máy mới Khoa Ung bướu sẽ cử 2 ê kíp tới cơ sở đã sử dụng máy này để học trực tiếp trên máy.
“Y tế và Giáo dục là 2 mảng mà tỉnh rất đặc biệt quan tâm và sẽ tiếp tục cố gắng để tạo điều kiện cho 2 ngành phát triển tốt hơn. Về Y tế, bên cạnh việc đầu tư của tỉnh, chúng tôi mong muốn các y bác sĩ nâng cao năng lực, tay nghề, sử dụng hết công suất các trang thiết bị, máy móc mua về để không lãng phí; cố gắng nâng cao chất lượng y tế để người dân được hưởng dịch vụ tại địa phương, không phải đi xa bất tiện, tốn kém”. Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN PHI LONG |
Nói về quá trình nâng cao năng lực điều trị ung thư, bác sĩ Nguyễn Minh Trí cho biết: Khoa Ung bướu thành lập năm 2008 thì đến năm 2011 chúng tôi đã đưa xạ trị gia tốc vào vận hành rồi. Lúc đó xạ trị gia tốc còn rất hiếm, cả nước chỉ có chừng 5 - 7 máy thôi. Từ ngày có thiết bị này, bệnh nhân đến nhiều hơn. Năm 2008 chỉ tiêu giường bệnh của Khoa là
24 giường, sau khi đưa vào sử dụng, người bệnh tăng khoảng hơn 100 người. Ngoài ra, chúng tôi hoàn thiện được đa mô thức trong điều trị ung thư, tức là vừa phẫu thuật vừa hóa trị vừa xạ trị, như vậy hiệu quả điều trị sẽ cao hơn rất nhiều.
Bên cạnh việc tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, các bác sĩ của Khoa Ung bướu còn được nhiều bệnh viện tuyến trên như: Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), Bệnh viện ĐH Y Hà Nội chuyển giao kỹ thuật, xem như là bệnh viện vệ tinh.
Bác sĩ Nguyễn Minh Trí phân tích: “Qua việc được làm vệ tinh và thực hiện đề án 1816 với những bệnh viện lớn, những ca bệnh khó chúng tôi có thể hội thảo trực tuyến với các bác sĩ, chuyên gia ở những bệnh viện này. Các bác sĩ, chuyên gia hướng dẫn nhiệt tình, đưa ra hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, khỏi phải chuyển lên tuyến trên. Đối với những ca bệnh khó vượt khả năng chuyên môn, các bác sĩ, chuyên gia của các bệnh viện tuyến trên sẽ đến điều trị trực tiếp tại BVĐK tỉnh, tạo thuận lợi cho người bệnh và là cơ hội học hỏi kinh nghiệm của nhân viên y tế. Thời gian qua số lượng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên giảm hẳn. Đặc biệt số ca chuyển viện vì vượt khả năng về chuyên môn thì rất ít nhưng vì tâm lý là nhiều. Nhiều bệnh nhân nghe ung thư là vội vàng xin chuyển liền lên tuyến trên. Do vậy ngoài vấn đề năng lực chuyên môn, thời gian đến chúng tôi sẽ cố gắng để bệnh nhân an tâm, tin tưởng hơn”.
Hiện tại Khoa Ung bướu có 59 nhân viên, trong đó có 11 bác sĩ, 2 kỹ sư, 2 kỹ thuật viên, còn lại là điều dưỡng. Dù được trang bị máy móc tương đối đầy đủ nhưng lượng bệnh nhân ung thư di căn phải chuyển lên tuyến trên vẫn còn khá nhiều. Do đó, Khoa mong muốn được đầu tư trang bị thêm máy Spect để phát hiện sớm di căn để có thể có hướng điều trị phù hợp và có thể triển khai đơn nguyên Y học hạt nhân.
ÐỖ THẢO - Nguồn Báo Bình Định