Đánh giá của Sở GD&ĐT, 13 trường mầm non trong Đề án chuyển đổi các trường mầm non bán công, dân lập sang trường mầm non công lập và công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính với 3 nghị quyết 27/2011/NQ-HĐND, 09/2013/NQ-HĐND, 23/2018/NQ-HĐND, gặp nhiều khó khăn, nhất là việc thu học phí.
Trường Mầm non Tam Quan trình TX Hoài Nhơn xin bổ sung kinh phí quỹ tiền lương và trả nợ tạm ứng lương từ ngân sách. Ảnh: MAI HOÀNG
Trường có mức thu học phí thấp nhất là 500 nghìn đồng/trẻ/tháng, trường có mức thu cao nhất hơn 1,6 triệu đồng/trẻ/tháng (chưa kể tiền ăn và tiền tổ chức hoạt động bán trú). Với thang học phí đó, các trường khó huy động trẻ vì vượt quá khả năng của số đông phụ huynh.
Càng tăng học phí, càng giảm học sinh
Từ năm học 2017 - 2018 đến năm học 2020 - 2021, mức tự chủ bình quân của 13 trường mới đạt 49,07%. Trường có tỷ lệ tự chủ cao nhất đạt 73,96%, thấp nhất chỉ 20,6%. Kinh phí tự chủ chủ yếu là chi lương và các khoản phụ cấp theo lương.
13/13 trường vẫn không đảm bảo tỷ lệ tự chủ theo quy định, do số lượng trẻ ra lớp giảm sâu sau mỗi lần tăng học phí. So với năm học 2012 - 2013, đến năm học 2020 - 2021 đã giảm 28 nhóm lớp, với 1.763 trẻ; 9/13 trường quy mô dưới 9 nhóm, lớp, không đủ điều kiện quy mô tối thiểu của trường mầm non. Hầu hết các trường đều không đủ điều kiện để xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia và mô hình thí điểm trường mầm non chất lượng cao.
Năm học 2019 - 2020, Trường Mầm non Tam Quan (TX Hoài Nhơn) có khoảng 600 trẻ, mức học phí thời điểm đó còn thấp, chỉ 257 nghìn đồng/tháng/trẻ (nhóm nhà trẻ) và 245 nghìn đồng/tháng/trẻ (nhóm mẫu giáo); đến năm học 2020 - 2021 đã tăng tương ứng là 574 nghìn đồng/tháng/trẻ và 547 nghìn đồng/tháng/trẻ (tự chủ 70%). Năm học 2021 - 2022, trường tạm dừng thu học phí.
"Tăng học phí, cộng với dịch bệnh Covid-19, năm học này, số hồ sơ đăng ký cho trẻ vào trường giảm chỉ còn 467, và thực tế số cháu đến trường chỉ khoảng 200, nhiều thời điểm còn thấp nữa, ví như ngày 6.12 chỉ có 146 trẻ. 3 tháng qua chúng tôi không có tiền để chi lương, trường đã phải làm hồ sơ xin bổ sung quỹ tiền lương năm 2021 và trả nợ tạm ứng lương từ ngân sách", Hiệu trưởng nhà trường Võ Thị Minh Loan thở dài.
Trưởng Phòng GD&ĐT TX Hoài Nhơn Nguyễn Thị Hoài Anh cho biết: Không riêng Trường Mầm non Tam Quan, Trường Mầm non Bồng Sơn cũng đã xin hỗ trợ kinh phí. Do số trẻ đến lớp giảm sút quá nhiều, nên 2 trường đang xin khoảng 2,8 tỷ đồng. Ngày 3.12, Phòng GD&ĐT đã trình UBND thị xã xem xét hỗ trợ, bổ sung kinh phí thiếu nguồn thu để chi trả lương các tháng cuối năm cho hai trường, đảm bảo chế độ tiền lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Điều chỉnh thế nào?
Ngày 23.11.2021, tại hội nghị lần thứ 25 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX), vấn đề liên quan đến 13 trường mầm non nói trên được đề cập và đưa ra kết luận. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng văn bản trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành quy định tạm thời cơ chế hỗ trợ kinh phí đối với 13 trường.
Trên cơ sở đó, ngày 29.11.2021, UBND tỉnh đã có tờ trình về cơ chế hỗ trợ kinh phí đối với 13 trường mầm non thuộc diện chuyển đổi để trình ra kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIII tới đây. Cụ thể, hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên còn thiếu theo quy định hiện hành, thời gian hỗ trợ 3 năm kể từ năm 2022. Tỉnh sẽ chỉ đạo và triển khai việc thu học phí của các trường bằng mức thu học phí của các trường công lập tự chủ một phần trên cùng địa bàn theo quy định trong thời gian thực hiện cơ chế hỗ trợ. Các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố khảo sát, đánh giá lại thực trạng cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ; đồng thời, xây dựng đề án tiếp tục chuyển đổi loại hình trường công lập tự chủ, tự đảm bảo chi thường xuyên theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21.6.2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất điều chỉnh bước đầu gỡ được vấn đề mức thu học phí, giải quyết được khó khăn trước đây; ngân sách sẽ hỗ trợ nếu trường không đảm bảo được các khoản chi thường xuyên do mức thu học phí giảm. Các trường cũng được hỗ trợ đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Thanh Liêm cho hay, đây cũng là cơ hội để các trường có đủ điều kiện tiếp tục chuyển đổi sang loại hình trường công lập tự chủ, tự đảm bảo chi thường xuyên theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP góp phần phát triển quy mô trường lớp, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, góp phần củng cố công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, tiến đến phổ cập cho trẻ mẫu giáo 3, 4 tuổi vào năm 2025.
Nguồn Báo Bình Định