Kế hoạch đưa ra các chỉ tiêu cụ thể thực hiện đến năm 2025: 100% số xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên; ít nhất 70% người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, 60% người lao động trong các khu công nghiệp, 90% học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm.
100% các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm; 100% tin tố giác, tin báo, khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được tiếp nhận, xác minh, phân loại, xử lý kịp thời.
Hàng năm, tỷ lệ tội phạm liên quan đến mại dâm được xử lý theo quy định của pháp luật tăng 3 - 5%; tổ chức kiểm tra ít nhất 20% số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, đến năm 2025, 100% các cơ sở được kiểm tra ít nhất một lần.
Xây dựng, triển khai thực hiện thí điểm ít nhất 01 mô hình về phòng ngừa mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm...
Kế hoạch cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện đến năm 2025: Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm; đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm, điều tra, truy tố các tội phạm liên quan đến mại dâm; xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS; nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm.
Thanh Sang