CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
Phát huy giá trị Di tích lịch sử Ðịa đạo Gò Quánh: Giáo dục truyền thống & phát triển du lịch
Thứ tư 26/02/2020 09:22
Ðịa đạo Gò Quánh là một chứng tích lịch sử về một thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ, hy sinh của quân và dân Hoài Nhơn nói riêng, Bình Ðịnh nói chung. Với những ý nghĩa tốt đẹp đó, địa đạo Gò Quánh vừa được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh.

Di tích địa đạo Gò Quánh đang được huyện Hoài Nhơn đầu tư phát quang, mở rộng và xây dựng hệ thống đường giao thông.

Gò Quánh là tên của khu đồi gò thấp, thuộc thôn Mỹ An 1 và Mỹ An 2, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn. Trong kháng chiến chống Mỹ, tại đây, Huyện ủy, Huyện đội Hoài Nhơn tổ chức xây dựng một hệ thống địa đạo nhiều tầng, tỏa sâu, lan rộng trong lòng đất; hệ thống này có công sự chiến đấu, giao thông hào, ụ chắn, kho tàng, hội trường… Đây là một công trình quân sự trong hệ thống bố phòng đánh địch hiệu quả. Việc xây dựng địa đạo Gò Quánh nằm trong chương trình xây dựng làng xã chiến đấu theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, của Liên khu ủy khu 5 và Tỉnh ủy Bình Định.

Chúng tôi tìm đến nhà cụ Ngô Phải, ở thôn Mỹ An 2, xã Hoài Thanh - một trong những người từng tham gia đào địa đạo Gò Quánh. Cụ Phải vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh dù đã 95 tuổi. Nghe nhắc đến địa đạo Gò Quánh, cụ Phải hào hứng kể: "Lúc chuẩn bị lực lượng, cấp trên phát lệnh huy động bí mật, tổ nào biết việc tổ nấy, chỉ nghe quán triệt, đào theo cách thức như địa đạo Củ Chi trong Nam, từ mặt đất đào sâu xuống 3 m và đào theo nhiều nhánh nhỏ. Tổ chúng tôi gồm 3 người tham gia đi đào địa đạo Gò Quánh, mỗi đêm đào từ 19 - 21 giờ. Đất đào lên phải kín đáo chuyển đi nơi khác rồi mới đổ, tránh khiến địch sinh nghi!". Cũng theo lời kể lại của cụ Phải, năm 1962, cán bộ cách mạng có về vận động, tuyển chọn thêm nhiều người dân ở nhiều địa phương và thành lập nhiều tổ để đào địa đạo. Khi hầm địa đạo gặp chỗ có nước tràn vào, phải trét xi măng để chống thấm.

Cụ Ngô Phải kể về việc đào địa đạo Gò Quánh và giới thiệu hầm trú ẩn của gia đình trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ.

Ở cùng thôn với cụ Phải, cụ Nguyễn Thị Phi (82 tuổi) tuy không tham gia đào địa đạo Gò Quánh, nhưng cả thời tuổi trẻ, cụ Phi cùng gia đình tham gia nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng tại nhà. Cụ Phi vẫn nhớ như in từng thời điểm quân, dân Hoài Nhơn đánh địch và những trận càn của địch. Cụ hồi tưởng: "Khi chưa có địa đạo Gò Quánh, những nhà dân ở đây đều có hầm trú ẩn hoặc địa đạo riêng do bà con tự làm. Nên trước khi có chủ trương đào địa đạo, dân ở đây cũng khá thành thạo các kỹ thuật. Khi cách mạng có chủ trương đào địa đạo, bà con hưởng ứng, bắt nhịp chủ trương rất nhanh. Khoảng năm 1966 thì hệ thống địa đạo Gò Quánh hoàn chỉnh. Hồi đó, một số nhà dân ở gần địa đạo như nhà bà Nguyễn Thị Kiềm (thôn Mỹ An 1) còn có hầm trú ẩn thông với hệ thống địa đạo. Mãi về sau kẻ thù mới phát hiện có địa đạo, nhưng chúng không biết cụ thể thế nào nên dù nhiều lần bắn phá ác liệt chúng vẫn không thể phá hủy được địa đạo. Người Hoài Nhơn rất tự hào về hệ thống địa đạo này, chúng tôi hay nói với nhau làm sao mà phá được bởi địa đạo lan tỏa trong lòng của mỗi người dân xứ Dừa".

Di tích địa đạo Gò Quánh cách TP Quy Nhơn khoảng 100 km về hướng Bắc, cách thị trấn Bồng Sơn khoảng 10 km về hướng Ðông Bắc. Có thể đi đến di tích bằng đường bộ rất thuận tiện. Từ TP Quy Nhơn theo QL 1, đến bưu điện Chợ Ðề (thôn Tài Lương, xã Hoài Thanh Tây) rẽ phải đến UBND xã Hoài Thanh. Từ trụ sở xã Hoài Thanh đi thêm khoảng 1km là đến di tích.

Ngay từ khi bắt đầu làm hồ sơ đề nghị công nhận địa đạo Gò Quánh là di tích lịch sử cấp tỉnh, huyện Hoài Nhơn đã đầu tư mở rộng mặt đường 16 m nối liền với đường trục trung tâm xã Hoài Thanh đến khu di tích; lập dự án đầu tư mở thêm các trục đường, trồng cây xanh nhằm phát triển du lịch, cụ thể là du lịch làng nghề gắn với các di tích lịch sử. Quan điểm của huyện, đây là một cách giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương cho thế hệ trẻ sinh động, hấp dẫn.

Ông Trương Đề, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: "Trong giai đoạn 1, huyện sẽ đầu tư phát quang, mở rộng diện tích khu di tích địa đạo Gò Quánh, xây dựng các tuyến đường bê tông. Sau đó, huyện sẽ đề nghị UBND tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Quân khu 5 phối hợp rà phá bom mìn để có phương án phục hồi các hầm địa đạo, hệ thống đường dẫn vào địa đạo Gò Quánh để phục vụ du lịch gắn liền với các di tích lịch sử, văn hóa khác, như: Cây số 7 Tài Lương, quần thể nhà mộ, nhà thờ cụ Đào Duy Từ…".

Nguồn: Báo Bình Định