Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng; hướng dẫn hộ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tổ chức tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh; tăng cường giám sát, lấy mẫu nhằm phát hiện sớm cúm gia cầm A/H5N8; chuẩn bị các điều kiện trong trường hợp có xảy ra ổ dịch hoặc có mẫu giám sát dương tính với vi rút cúm gia cầm A/H5N8.
Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát chủ động, lấy mẫu của gia cầm để kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn; tăng cường truyền thông để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế giám sát, phát hiện, chia sẻ thông tin, tuyên truyền, phối hợp phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật sang người.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ năm 2014 đến nay, chủng vi rút cúm gia cầm thể độc lực cao A/H5N8 đã xuất hiện, gây bệnh trên gia cầm, giai đoạn đầu chủ yếu xảy ra ở trên chim hoang dã, sau đó lây lan nhanh, ở phạm vi rất rộng và gây ra dịch bệnh trên gia cầm nuôi. Trong tháng 02/2021, có 07 người tại Liên bang Nga được xác định nhiễm vi rút cúm A/H5N8 với các triệu chứng nhẹ.
Ở nước ta, từ đầu tháng 6/2021 đến nay đã phát hiện chủng vi rút cúm gia cầm A/H5N8 tại 03 tỉnh Hòa Bình, Cao Bằng và Quảng Ninh. Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, nguy cơ phát sinh dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N8 lây lan và xảy ra diện rộng là rất cao vì đây là bệnh lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam trong khi đó chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ không an toàn sinh học còn phổ biến; mật độ chăn nuôi cao; việc giao thương, buôn bán vận chuyển tăng cao; tình trạng giết mổ gia cầm chưa được kiểm soát chặt chẽ; điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài làm suy giảm sức đề kháng của gia cầm; việc tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm chưa được quan tâm, tỷ lệ tiêm phòng chưa đảm bảo yêu cầu.
Tại tỉnh ta, tuy chưa xuất hiện bệnh cúm gia cầm A/H5N8, nhưng hoạt động lưu thông, mua bán gia cầm ngày càng gia tăng và yếu tố bất lợi của điều kiện thời tiết, nguy cơ phát sinh dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh là rất cao.
Thanh Sang