Chất lượng thực phẩm ngày càng được kiểm soát chặt chẽ
Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức và nhân dân về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, nhân dân về an toàn thực phẩm được chú trọng, với hàng nghìn hội thảo, tọa đàm; gần 38.800 lượt tin, bài, phóng sự và nhiều tài liệu khác nhằm truyền tải các thông tin về vai trò, tầm quan trọng của an toàn thực phẩm, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc đảm bảo thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp, phê phán những hành vi sai trái trong thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm... Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều buổi nói chuyện, tư vấn dinh dưỡng, phổ biến các kiến thức về lựa chọn, bảo quản thực phẩm an toàn; gắn nội dung an toàn thực phẩm vào các cuộc vận động, các phong trào, hội thi và lồng ghép vào hương ước, quy ước của thôn, làng, khu phố...
Các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm an toàn, chất lượng được chú trọng ban hành và triển khai thực hiện. Các nguồn lực về con người, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giám sát, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm được quan tâm đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 2 phòng kiểm nghiệm, thử nghiệm đạt chuẩn ISO 17025, đáp ứng tốt yêu cầu giám sát, thử nghiệm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Nhiều mô hình điểm về đảm bảo an toàn thực phẩm, phù hợp với đặc điểm, tình hình ở địa phương đã được xây dựng; góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo niềm tin của người tiêu dùng như: Mô hình điểm về đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 9/11 huyện, thị xã, thành phố; mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm; các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp an toàn (rau an toàn, bò thịt chất lượng, thịt heo an toàn…).
Nhiều đề án, giải pháp tăng cường năng lực quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn đã được xây dựng, ban hành. Hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Hiện nay, toàn tỉnh có 368 cán bộ phụ trách công tác an toàn thực phẩm từ tỉnh tới cơ sở, thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng chống ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm được triển khai quyết liệt thông qua các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm định kỳ và đột xuất, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát việc thực hiện an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các tầng lớp nhân dân, nhất là chủ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được nâng lên; tỷ lệ các cơ sở vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng giảm; chất lượng thực phẩm ngày càng được kiểm soát chặt chẽ… đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Phấn đấu cho mục tiêu tất cả thực phẩm đều an toàn
Trong thời gian tới, trong điều kiện đất nước hội nhập kinh tế với quốc tế, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu về thực phẩm của người dân ngày càng có sự đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã, giá cả...; nhiều thực phẩm chưa rõ nguồn gốc du nhập vào nước ta theo đường tiểu ngạch, hàng xách tay... rất khó kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận mà cố tình vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, hành vi ngày càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện, gây hậu quả đối với sức khỏe người tiêu dùng. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, mang tính thời vụ, địa điểm không ổn định gây khó khăn trong công tác quản lý. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, ứng dụng công nghệ hiện đại còn hạn chế, gây khó khăn trong công tác giám sát, truy xuất nguồn gốc xuất xứ...
Do đó, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cùng cả nước phấn đấu sớm đạt mục tiêu "Tất cả thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam đều là thực phẩm an toàn", các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác an toàn thực phẩm. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08-CT/TW gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn thực phẩm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh. Tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và kiến thức lựa chọn thực phẩm an toàn của người tiêu dùng. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý, giám sát an toàn thực phẩm. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Chú trọng đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, phương tiện làm việc phục vụ công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, nhân dân trong việc giám sát an toàn thực phẩm. Tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn...
Hồng Hà