Cùng đi có các đồng chí: Nguyễn Thanh Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Phi Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Công trình Đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được xây dựng tại Dốc Sáo (thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát) bằng vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn xã hội hóa. Công trình được khởi công tháng 5.2020, dự kiến hoàn thành trong tháng 10 tới.
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, khi tham gia nghĩa quân thường được gọi là Quản Chơn, Quản Lịch. Ông sinh năm Mậu Tuất (1838), tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An - nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Nguyên quán ở xóm Lưới, làng Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định - nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát. Nguyễn Trung Trực nổi tiếng giỏi võ từ nhỏ, cương trực, nghĩa hiệp, giàu lòng yêu nước, thương dân. Ông là thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp ở Nam bộ, đã trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh oanh liệt. Ông bị giặc Pháp bắt; không thuyết phục được ông, chúng tra tấn dã man và xử chém vào ngày 27.10.1868. Ý chí đấu tranh anh dũng và sự hy sinh bất khuất của ông là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc với câu nói bất hủ: "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây". Ghi nhận, tôn vinh công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định xây dựng đền thờ ông để giáo dục lòng tự hào, truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao việc tỉnh Bình Định xây dựng đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. "Công trình hoàn thành sẽ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
THU HIỀN - Nguồn Báo Bình Định