Phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh (đơn vị được Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ làm đầu mối thực hiện kế hoạch hành động) xung quanh vấn đề này.
Cán bộ ngành Nông nghiệp tỉnh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên tàu cá của ngư dân neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn.
● Những năm gần đây, tỉnh ta đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý chất lượng các mặt hàng vật tư nông nghiệp (VTNN) và an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp, ông có thể cho biết kết quả công tác này?
- Khi KT-XH phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng cao thì vấn đề vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp được quan tâm nhiều hơn. Với ngành Nông nghiệp, năm 2020, cùng với việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản có liên quan đến vấn đề vệ sinh ATTP, các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT đã lấy 1.419 sản phẩm nông, lâm, thủy sản (NLTS) để kiểm tra, giám sát dư lượng kháng sinh bị cấm và các chất độc hại. Bên cạnh đó, đã tổ chức thẩm định, xếp loại, cấp giấy chứng nhận và đánh giá định kỳ điều kiện đảm bảo ATTP cho 1.377 cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) sản phẩm nông nghiệp. Hầu hết các cơ sở đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP, trong đó, có 1.153 cơ sở đã được thẩm định, xếp loại và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh còn tổ chức cho 2.792 người dân ký cam kết SXKD các mặt hàng NLTS bảo đảm ATTP. Chúng tôi cũng đã thanh, kiểm tra và hậu kiểm 2.227 cơ sở SXKD các mặt hàng VTNN và điều kiện ATTP NLTS, qua đó phát hiện và xử lý 137 cơ sở vi phạm.
● Qua các đợt kiểm tra, giám sát thực tế, ông đánh giá như thế nào về việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong SXKD các mặt hàng VTNN, và việc bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp tại các địa phương?
- Nhìn chung, công tác quản lý chất lượng VTNN, bảo đảm chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng khách quan nhìn nhận, lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục.
Thực tế cho thấy, phần lớn cán bộ thực hiện công tác quản lý chất lượng NLTS tại các địa phương đều kiêm nhiệm và thường luân chuyển công tác, nên việc cập nhật và triển khai các văn bản liên quan còn chậm, nên hiệu quả công việc chưa cao. Một số chủ cơ sở SXKD mặt hàng NLTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn xem trọng phát triển số lượng hơn là chất lượng sản phẩm. Việc áp dụng các quy phạm thực hành nông nghiệp tốt, thực hành sản xuất tốt, phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn nhằm bảo đảm ATTP trong toàn bộ quá trình sản xuất còn nhiều hạn chế. Vì vậy, tôi nghĩ cần phải tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất lượng VTNN và ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp.
● Kế hoạch hành động bảo đảm chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2021 của ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung vào những nội dung nào, thưa ông?
- Sở NN&PTNT đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc thực hiện kế hoạch hành động bảo đảm chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp từ tháng 3 - 12.2021. Trong thời gian này, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về vệ sinh ATTP đối với sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm tại các vùng sản xuất rau, củ, quả. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra điều kiện ATTP thịt động vật tại các chợ, cơ sở giết mổ động vật tập trung, các cơ sở SXKD các mặt hàng VTNN, thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, kiểm tra, giám sát dư lượng kháng sinh cấm, chất độc hại tại các vùng nuôi tôm và việc sử dụng hóa chất, phụ gia trong chế biến sản phẩm, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ tổ chức đánh giá, xếp loại các cơ sở SXKD mặt hàng VTNN và chứng nhận các mặt hàng NLTS đủ điều kiện, đảm bảo ATTP, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Ngành Nông nghiệp tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2021, tỷ lệ mẫu thực phẩm NLTS trên diện rộng vi phạm quy định về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh giảm 10% so với năm 2020. Tỷ lệ các cơ sở SXKD các mặt hàng NLTS xếp loại A và B tăng 1%.
● Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện) - Nguồn Báo Bình Định