Cần thiết có kịch bản, phương án
Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho hay, việc xây dựng kế hoạch năm học mới được thực hiện chặt chẽ và thận trọng, trên cơ sở tính toán kỹ khung thời gian Bộ GD&ĐT ban hành đầu tháng 8, kết hợp theo dõi tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Tùy tình hình thực tế công tác phòng, chống dịch, Sở GD&ĐT sẽ có thông báo, hướng dẫn cụ thể về hình thức tổ chức các hoạt động đầu năm học. Tuy nhiên, các địa phương, trường học vẫn phải chủ động xây dựng kịch bản phù hợp với đơn vị. Sở GD&ĐT đang rà soát các kịch bản, phối hợp với ngành y tế để lập kế hoạch tựu trường năm học 2021 - 2022. Việc cho học sinh đến trường cần đảm bảo từng bước để giãn cách, đạt các mục tiêu vào cuối năm học, đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh.
Học sinh của tỉnh tựu trường ngày 1.9 và khai giảng năm học mới vào ngày 5.9. - Trong ảnh: Học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An (TX Hoài Nhơn) năm học 2020 - 2021. Ảnh: T. HIỀN
Ông Phạm Minh Chấn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh, lo nhất là năm học mới sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 1, 2, 6, đến nay tất cả quản lý, giáo viên đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng. Địa phương chuẩn bị cơ sở vật chất trường, lớp; xét duyệt biên chế trường, lớp trình UBND huyện phê duyệt.
Riêng tại TX An Nhơn, từ ngày 14.8 đã nới giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, song vẫn còn 7 phường, xã tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg trong 15 ngày là Bình Định, Đập Đá, Nhơn Hưng, Nhơn Thành, Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh. 3 trường học hiện đang làm khu cách ly tập trung đều nằm trong địa bàn giãn cách theo Chỉ thị 16/ CT-TTg. Do đó, công tác chuẩn bị năm học mới còn ngổn ngang.
Theo ông Lâm Lăng Long, Trưởng Phòng GD&ĐT TX An Nhơn, do vẫn còn 7 địa phương giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nên công tác tuyển sinh học sinh đầu cấp mầm non, lớp 1 và lớp 6 tiếp tục lùi chờ tình hình ổn định. Tuy nhiên, các trường vẫn chuẩn bị công tác năm học mới. Với những địa phương còn lại, trường khẩn trương triển khai tuyển sinh, kế hoạch năm học, cơ sở vật chất, vệ sinh trường lớp…
Nhiều trường học đang là khu cách ly
Nhiều trường học đang được sử dụng làm khu cách ly tập trung… cũng là vấn đề lớn đặt ra khi năm học mới đến gần.
Tại Phù Cát, hiện có 3 khu cách ly tập trung trưng dụng các trường học. Trong số này, khu cách ly số 1 và số 2 là Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ (cơ sở 2 tại xã Cát Tân và cơ sở 3 tại xã Cát Hanh) cách ly F1. Khu số 3 là Trường THPT Nguyễn Hữu Quang, THPT số 3 Phù Cát, cách ly người về từ vùng dịch. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trung Kiên cho hay: Công suất của hai trường THPT cách ly khoảng 200 trường hợp, nhưng mới sử dụng 1/5, trong khi khu cách ly số 2 tại Cát Tân chưa sử dụng. Tình hình dịch thời gian tới nếu không có gì đột biến, chúng tôi sẽ chuyển người cách ly về khu cách ly số 2 để các trường THPT vệ sinh trường, lớp kịp đưa vào năm học mới.
Còn tại huyện Tuy Phước, 3 khu cách ly tập trung tại Trường THPT Nguyễn Diêu, THPT số 2 Tuy Phước, THCS thị trấn Tuy Phước (công suất 550 chỗ), hiện đang cách ly hơn 100 người. "Với lượng người liên quan ca F0 và người về từ các vùng dịch thì việc tính toán cơ sở cách ly tập trung ngoài trường học là cả vấn đề. Huyện đã giao CA huyện khẩn trương phối hợp với Phòng Y tế, TTYT, Ban CHQS huyện và các địa phương khảo sát nhà nghỉ, khách sạn và công trình công cộng có khả năng làm các khu cách ly tập trung, báo cáo trước ngày 18.8. Từ đó, tính toán trao trả cơ sở để các trường tổng vệ sinh, chuẩn bị đón học sinh trở lại", Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hùng Tân chia sẻ.
Theo bà Đặng Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tuy Phước, trong thời gian này, nhà trường vẫn lên kế hoạch cho năm học mới, công tác tuyển sinh lớp 6 đã hoàn tất, thời gian tới khi huyện trả trường thì tiến hành vệ sinh môi trường. Riêng việc tổ chức kiểm tra lại cho học sinh, trường sẽ nhờ một cơ sở khác để sắp xếp tổ chức cuối tháng 8 này trước khi bước vào năm học mới.
Nhiều băn khoăn với học trực tuyến Liên tiếp tại 3 hội nghị trực tuyến với ngành GD&ĐT các tỉnh, thành, ngày 12 - 13.8, đề cập nhiệm vụ năm học mới 2021 - 2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh sẽ ban hành sớm các nội dung dạy học cốt lõi, căn bản. Thời gian đầu tiên của năm học, những nơi nào học sinh có thể đến trường sớm sẽ phải được ưu tiên dạy các nội dung cốt lõi để đảm bảo chất lượng tốt nhất; khi dịch bùng phát phải dạy trực tuyến, sẽ chỉ tập trung củng cố kiến thức, kỹ năng. Ông Dương Trọng Anh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An (TX Hoài Nhơn) cho rằng, giáo viên và học sinh lớp 11, 12 đã quen với hình thức dạy học trực tuyến, nhưng học sinh lớp 10 sẽ có khó khăn trở ngại ban đầu. Ngay phía người dân, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện như máy tính, laptop, đường truyền internet… để cho con tham gia học trực tuyến. Đồng thời, nhà trường chưa có đủ điều kiện để mua các phần mềm dạy học trực tuyến cho giáo viên sử dụng, chủ yếu sử dụng phần mềm miễn phí (zoom, teamlink, google meet…) chất lượng không đảm bảo. Càng ngổn ngang hơn là các khối lớp tiểu học, THCS. Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tuy Phước cho biết năm học vừa rồi nhà trường đã tổ chức học trực tuyến, nhưng chỉ ở mức củng cố kiến thức, chứ không thể đồng bộ dạy kiến thức mới cho học sinh. Năm học tới học sinh lớp 6 lại học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Với các trường tiểu học, càng khó nói đến học trực tuyến, đặc biệt học sinh lớp 1 mới vào trường, học sinh lớp 2 phải học chương trình giáo dục phổ thông mới. |
THU HIỀN - Nguồn Báo Bình Định