Địa phương chủ động xây dựng phương án dạy và học
Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, trong phương án trình tỉnh quyết định về phương án chung dạy - học và phương án cụ thể cho từng cấp học để bắt đầu cho năm học mới, Sở GD&ĐT đề xuất tận dụng thời gian an toàn để dạy - học trực tiếp kiến thức cốt lõi; đồng thời, chuẩn bị ngay phương án ứng phó khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường cho phù hợp với các cấp học. Sử dụng tuần dự phòng và có thể tăng một số tuần để bố trí dạy bù, cố gắng giảm áp lực về thời gian cho giáo viên và học sinh. Sở cũng đề xuất phương án cụ thể cho từng cấp học.
Các ĐVTN dọn vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn lớp học tại Trường Tiểu học Mỹ Trinh (xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ) chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: HẰNG NGA
TX Hoài Nhơn, một mặt chờ quyết định chính thức của UBND tỉnh, một mặt đã chủ động xây dựng kế hoạch năm học mới từ rất sớm - ngay trong tháng 8.2021. Tuy nhiên với diễn biến dịch có xu hướng phức tạp những ngày gần đây, thị xã báo cáo tỉnh dời phương án cho tổ chức năm học ngày 13.9 và xây dựng 3 phương án tổ chức dạy - học trong tình hình dịch kiểm soát đảm bảo an toàn; tình hình dịch diễn biến còn phức tạp; tình hình dịch bệnh không ổn, có ca bệnh ngoài cộng đồng. Ông Trần Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, cho hay: Sau khi có quyết định của UBND tỉnh và bám sát tình hình cụ thể dịch Covid-19 trên địa bàn, chúng tôi sẽ xây dựng hình thức dạy - học phù hợp. Thị xã giao các trường chủ động xây dựng phương án học phù hợp.
Hai địa phương đang "nóng" nhất về dịch Covid-19 với việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là TX An Nhơn và huyện Phù Cát đã đề xuất thời gian học và kế hoạch dạy - học lùi đến ngày 20.9. TX An Nhơn xây dựng phương án tổ chức hoạt động dạy - học trực tiếp. Sau khi kết thúc giãn cách, các cơ sở giáo dục tổ chức dạy bù để đảm bảo nội dung chương trình học.
Còn huyện Phù Cát, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Xuân Thắng, các cơ sở giáo dục mầm non chuẩn bị các tài liệu hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ dưới dạng video, phim tư liệu, tài liệu điện tử… và đăng trên website, facebook của nhà trường, nhằm hướng dẫn cha mẹ học sinh việc chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà. Với các trường tiểu học, THCS, cần phối hợp với cha mẹ học sinh tạo điều kiện cho các em học tập qua chương trình phát sóng trên truyền hình. Khi dịch được kiểm soát, đảm bảo an toàn, các trường tập trung ngay học sinh để tổ chức dạy học trực tiếp. Tận dụng thời gian an toàn để dạy - học kiến thức cốt lõi. Đồng thời, phối hợp với cha mẹ học sinh hướng dẫn các em học tập và rèn luyện kỹ năng cơ bản tại nhà.
Ưu tiên đầu tư trường lớp
Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn Mai Xuân Tiến cho hay, An Nhơn đang sử dụng 1 trường THPT và 2 trường THCS làm khu cách ly tập trung, thị xã sẽ dời sang cơ sở Trường CĐ Bình Định (cũ), đồng thời trưng tập thêm cơ sở của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Các xã, phường đang sử dụng trường học để làm khu cách ly sẽ di dời sang các nhà văn hóa, để trả lại trường học.
Với huyện Phù Cát, UBND huyện sẽ tiến hành rà soát, sắp xếp, chuyển khu cách ly sang cơ sở khác, khử khuẩn, bàn giao cho trường trước ngày 13.9. Còn tại TX Hoài Nhơn, ngày 21.8, thị xã trao trả toàn bộ trường học trưng dụng làm cơ sở cách ly tập trung, cơ sở cách ly công cộng, tiến hành vệ sinh môi trường, khử khuẩn. Ông Võ Văn Chuyên, Hiệu trưởng Trường THCS Hoài Tân, cho hay: Ngay khi được trao trả, chúng tôi vệ sinh trường lớp, khử khuẩn toàn bộ. Với quy mô 28 lớp, trường cũng được đầu tư xây mới 12 phòng học, phòng bộ môn, một khu nhà hiệu bộ, đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) dọn vệ sinh, trang trí lớp học đón năm học mới. Ảnh: T. HIỀN
"Năm học này, TX Hoài Nhơn có 38.444 học sinh chia làm 1.188 lớp. Thị xã đã đầu tư, đưa vào sử dụng năm học mới này 88 phòng học; sửa chữa 99 phòng học cho ba bậc học và xây dựng tường rào, cổng ngõ nhà vệ sinh cho 8 trường. Tổng kinh phí gần 18 tỷ đồng", bà Nguyễn Thị Hoài Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT TX Hoài Nhơn, thông tin.
Với những địa phương chưa là điểm nóng dịch Covid-19, việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp thuận lợi hơn. Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn đã và đang khẩn trương đầu tư 88 phòng học và phòng chức năng cho 6 trường tiểu học, THCS, mầm non; hoàn thiện sửa chữa nhỏ 12 công trình để phục vụ năm học mới; tổng kinh phí hơn 90 tỷ đồng. Ông Phan Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhơn Phú - một trong số trường được đầu tư lớn số lượng phòng học - vui vẻ nói: Trường có 3 cơ sở, đã xuống cấp, gây khó khăn cho công tác dạy và học. Năm học này, trường được đầu tư xây mới 24 phòng học và phòng bộ môn, nhà hiệu bộ. Như vậy, nhà trường sẽ có 46 phòng học và phòng chức năng, vừa đáp ứng dạy học 2 buổi/ ngày vừa đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Riêng khối trường THPT, ông Trương Văn Khải, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD&ĐT) cho biết, kinh phí tỉnh bố trí cho đầu tư cơ sở vật chất trường lớp tăng khoảng 20% năm ngoái. 6 trường được xây mới phòng học và phòng bộ môn, với 14,6 tỷ đồng đầu tư từ vốn ngân sách tập trung của tỉnh; vốn sự nghiệp giáo dục chi 53,7 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp 63 trường; quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp các trường đầu tư 7,5 tỷ đồng; các nguồn vốn khác 340 triệu đồng. Cơ bản đảm bảo phòng học phục vụ dạy và học cho năm học mới.
Tiếp sức học sinh đặc biệt khó khăn đến trường Ngày 30.8, Hội LHPN xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) đi thăm và tặng quà tiếp sức đến trường cho 2 học sinh đặc biệt khó khăn bước vào lớp 6 năm học 2021 - 2022, đó là em Hồ Huỳnh Minh An (thôn Lý Chánh) và em Nguyễn Ánh Hòa (thôn Lý Hòa), xã Nhơn Lý. Quà tặng gồm đồng phục, sách, vở, bút viết, ba lô… trị giá 1 triệu đồng/suất. Hội LHPN xã Nhơn Lý đang tiếp tục vận động các mạnh thường quân địa phương hỗ trợ nâng bước 2 em đến trường. Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bác Ái Tuy Phước vừa đi thăm và trao tặng 14 suất quà (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) trích từ nguồn Quỹ đồng tiền nhân ái của Chi hội tặng cho các em học sinh nghèo và con của bệnh nhân nghèo vượt khó học giỏi ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. XUÂN THỨC - XUÂN VINH |
THU HIỀN - Nguồn Báo Bình Định