Trong 20 năm qua, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã được các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện có hiệu quả, chất lượng ngày càng được nâng lên. Qua đó, đã tạo ra sự chuyển biến cơ bản trong việc thực hiện nếp sống văn minh; xây dựng môi trường văn hoá, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong tỉnh.
Phong trào xây dựng làng, khu phố, thôn văn hóa đạt được những kết quả tích cực, góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế bền vững, đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa bên ngoài. Tại nhiều địa phương, hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
Phong trào xây dựng làng, khu phố, thôn văn hóa trong thời gian qua phát triển rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến miền biển và từng bước nâng cao chất lượng và đi vào chiều sâu, góp phần làm cho bộ mặt đô thị và nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc. Các thiết chế văn hóa như: Nhà văn hóa, khu sinh hoạt văn hóa - thể thao, thư viện, đài truyền thanh, điểm bưu điện - văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng, trung tâm học tập cộng đồng, các loại hình câu lạc bộ được hình thành và đi vào hoạt động ngày càng nhiều. Các lễ hội truyền thống tốt đẹp được gìn giữ và phát huy. Quá trình xây dựng làng, khu phố, thôn văn hóa góp phần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, thực hiện tốt phong trào Đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu ngày trên quê hương và từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Nếu như năm 2001, toàn tỉnh có 67 khu dân cư được công nhận danh hiệu Làng, khu phố văn hóa (chiếm 6,63%) thì đến năm 2020, có 1.116/1.116 khu dân cư đăng ký xây dựng làng, khu phố, thôn văn hóa, trong đó có 1.023 khu dân cư được công nhận danh hiệu Làng, khu phố, thôn văn hóa (đạt 91,6% và tăng 84,97% so với năm 2001).
Trong nhiều năm qua, các địa phương tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng phường, thị trấn văn minh, góp phần thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn. Xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị bao gồm nhiều lĩnh vực như: Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, làng văn hóa, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, môi trường văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh,… bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, định hướng phát triển kinh tế bền vững.
Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và phong trào thi đua "Tỉnh Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới" được triển khai rộng khắp và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 86/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 70,25%; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (An Nhơn, Hoài Nhơn, Quy Nhơn và Tuy Phước); 17/42 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Qua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nhiều mô hình tiêu biểu trên các lĩnh vực đời sống xã hội được nhân rộng như: Mô hình kinh tế "Nuôi bò vỗ béo" tại huyện Phù Mỹ, Phù Cát; mô hình an ninh trật tự "Dòng họ tự quản về an ninh trật tự", "Khu dân cư không vi phạm trật tự an toàn giao thông", "Thắp sáng đường làng", "Tiếng kẻng an ninh",... tại thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và Hoài Nhơn, các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Hoài Ân, Tuy Phước; mô hình "Khu dân cư không có người tự tử, nghi kỵ cầm đồ thuốc độc, tảo hôn" của huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh; mô hình bảo vệ môi trường "Gia đình 5 không 3 sạch", tổ "Thu gôm rác thải, chai lọ, thuốc bảo vệ thực vật", "Khu dân cư xanh sạch đẹp" được nhân rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố; mô hình khuyến học khuyến tài "Tộc họ hiếu học", "Người lớn gương mẫu - trẻ em chăm ngoan" phát triển rộng khắp,... Các mô hình này góp phần quan trọng trong việc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội;...
Anh Thư