CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
Già hóa dân số, cơ hội và thách thức
Thứ năm 09/09/2021 17:25
Già hóa dân số là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Tỉnh Bình Định đã và đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh. Bên cạnh những cơ hội, già hóa dân số đã đặt ra những thách thức rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2034, Bình Định bước vào giai đoạn dân số già

Theo kết quả điều tra biến động dân số - kế hoạch hóa gia đình, năm 2011 Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm 11,86% dân số; dự báo tỷ lệ này sẽ tăng lên 16,66% vào năm 2029 và 26,1% vào năm 2049.

Ở Bình Định, những tiến bộ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã giúp cho tuổi thọ người dân ngày càng tăng lên. Tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên đã tăng từ 10,8% năm 2009 lên 14,2% năm 2019, tăng 3,4%, trong khi cả nước tăng 3% (từ 8,9% năm 2009 lên 11,9% năm 2019). Tuổi thọ bình quân năm 2019 của người dân Bình Định là 73,5 tuổi, tương đương cả nước (73,6 tuổi).

Như vậy, tốc độ già hóa dân số của Bình Định diễn ra nhanh hơn cả nước và xu hướng này dự báo sẽ còn tăng nhanh trong tương lai. Chỉ số già hóa ở tỉnh ta đã tăng hơn gấp đôi trong thời gian từ năm 1999 đến năm 2019, từ 28,3% lên 60,1%; dự báo đến năm 2034 con số này sẽ tăng lên 121,6%. Đây cũng là thời điểm Bình Định chính thức bước vào giai đoạn dân số già, với tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 14,4% tổng dân số.

Bình Định đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khi cứ 1 người phụ thuộc được "gánh đỡ" bởi 1,97 người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, theo dự báo đến năm 2037, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 - 64 tuổi) chiếm 65,5%, tỷ trọng dân số phụ thuộc (dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên) chiếm 34,5%. Tỷ số giữa tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động và tỷ trọng dân số phụ thuộc là 1,9 lần, đây là năm dự báo Bình Định sẽ hết thời kỳ cơ cấu dân số vàng.

Cơ hội và thách thức của già hóa dân số

Già hóa dân số mang lại những cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội như: hình thành các thị trường mới về hàng hóa thực phẩm, dược phẩm, thời trang, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sản phẩm phục vụ người cao tuổi…

Tuy nhiên, già hóa dân số tạo ra những thách thức lớn đối với kinh tế - xã hội của tỉnh, khi tỷ lệ người cao tuổi tăng lên và tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có xu hướng giảm đi. Theo dự báo, lực lượng lao động của tỉnh trong độ tuổi đến năm 2030 là 961.430 người; đến năm 2034, tỉnh ta bước vào thời kỳ dân số già, lực lượng lao động trong độ tuổi khoảng 963.800 người; năm 2037 giảm xuống còn 948.850 người, kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng; đến năm 2050 còn khoảng 916.550 người.

Ảnh minh họa

Cùng với đó, già hóa dân số làm gia tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, nhất là về y tế và hệ thống trợ cấp lương hưu. Ngoài ra, các thách thức mà người cao tuổi của tỉnh ta còn phải gặp là gánh nặng về bệnh tật, đa số chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn, khiến việc chữa trị rất khó khăn, với chi phí y tế lớn.

Già hóa dân số ở Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng diễn ra với tốc độ nhanh, đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí... đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Già hóa dân số sẽ làm cho gánh nặng kinh tế - xã hội trở nên nghiêm trọng nếu như không có những bước chuẩn bị và thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng.

Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già như: Pháp 115 năm, Australia 73 năm... , thì ở Việt Nam chỉ khoảng 26 năm (theo Bộ Y tế).

 

Thanh Sang