CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
“ATM gạo” và câu chuyện an sinh thời Covid-19
Thứ năm 16/04/2020 09:33
Ðược đánh giá là mô hình thể hiện rõ tinh thần đùm bọc, yêu thương đối với những người vốn có hoàn cảnh khó khăn nay lại bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19, cây “ATM gạo” đầu tiên đã có mặt tại Bình Ðịnh vào chiều 15.4.

Tình nguyện viên hỗ trợ người nhận gạo cách lấy gạo tại máy "ATM gạo".

Thêm chính sách an sinh

Ngày 14.4, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có quyết định chuyển số tiền 118,5 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo tỉnh cho Ban vận động Quỹ Vì người nghèo các huyện, thị, thành phố để hỗ trợ cứu đói đột xuất cho 237 người bán vé số có hoàn cảnh khó khăn thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mỗi suất hỗ trợ là 500 nghìn đồng. Đây là bước đi tiếp theo sau chương trình hỗ trợ 10 kg gạo/người cho hơn 1.500 người bán lẻ vé số trong tỉnh, do Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Bình Định phối hợp với Hội CTĐ tỉnh tổ chức và một số hoạt động hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho người bán vé số do các nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm tổ chức.

Cùng với đó, chiều 15.4, cây "ATM gạo" đầu tiên đã được mở ở Bình Định tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh với thông điệp ý nghĩa "Nếu bạn cần hãy đến lấy. Nếu bạn ổn, hãy nhường cho người khác". Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Hội LHTN tỉnh phối hợp, chuẩn bị sẵn sàng 10 tấn gạo (trị giá 120 triệu đồng từ Quỹ Cứu trợ tỉnh) cho ngày đầu vận hành cây "ATM gạo". Trước đó, từ sáng 14.4, các nhân viên kỹ thuật của Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định đã tiến hành lắp ráp, lập trình, đảm bảo vận hành thông suốt "ATM gạo" vào chiều 15.4.

Sau khi nhận gạo tại "ATM gạo", người nhận gạo được cấp thêm trứng.

Nhận 2 kg gạo và 5 quả trứng gà từ "ATM gạo", bà Lưu Thị Hoàng (75 tuổi, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) tâm sự rằng: "Mỗi sự giúp đỡ thời điểm này đều đáng quý. Có gạo, có trứng là không lo đói rồi. Mong cái cây này hoạt động dài ngày để giúp đỡ cho bà con chúng tôi".

Đến 17 giờ, "ATM gạo" đã cấp phát 2.300 suất gạo, trứng cho người dân. Hoạt động hỗ trợ gạo cứu đói này không chỉ làm dịu bớt những khó khăn của các mảnh đời mà còn dấy lên tinh thần đùm bọc, lá lành đùm lá rách của các cá nhân, các tổ chức, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Ngay khi nghe có thông tin về mô hình "ATM gạo", nhiều đơn vị, cá nhân đã liên lạc, tìm hiểu thông tin để ủng hộ gạo hoặc tiền mua gạo cho bà con. Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam ủng hộ 10.000 quả trứng gà. Riêng trong chiều 15.4, có rất nhiều chuyến xe của các tổ chức, cá nhân chở gạo đến để ủng hộ. Đơn cử như: Nhóm bạn anh Trần Phúc Anh (phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) ủng hộ 600 kg gạo. Nhóm bạn chị Đỗ Huyền Trang (giảng viên khoa Kinh tế và Kế toán Trường ĐH Quy Nhơn) ủng hộ 250 kg gạo. Đoàn Thanh niên các ban Đảng tỉnh vận động đoàn viên đóng góp tiền mua 200 kg gạo. Cơ sở kinh doanh Goder Pub (đường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn) ủng hộ 200 kg gạo. Cán bộ, nhân viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Quy Nhơn ủng hộ 200 kg gạo. CLB Văn nghệ sĩ trẻ Bình Định ủng hộ hơn 3,4 triệu đồng (từ nguồn đóng góp của các hội viên)...

Đến 16 giờ ngày 15.4, có 20 tập thể, cá nhân ủng hộ 3 tấn gạo và gần 7 triệu đồng tiền mặt trực tiếp tại điểm đặt "ATM gạo".

Công tác tổ chức cần rút kinh nghiệm

Ngày đầu tiên triển khai mô hình "ATM gạo" trên địa bàn tỉnh xuất hiện không ít thiếu sót, lúng túng. Dù đã nghiên cứu kỹ, rút kinh nghiệm từ các địa phương đã triển khai trước, huy động 30 ĐVTN tình nguyện thực hiện công tác phân luồng nhưng vẫn xuất hiện rất nhiều "điểm nghẽn".

Người dân sát khuẩn trước khi vào nhận gạo.

Dù 14 giờ mới cấp phát nhưng từ 13 giờ, rất đông người dân đã tập hợp trước khu vực cấp phát. Sau thao tác sát khuẩn, đo thân nhiệt, cấp khẩu trang cho những người chưa có khẩu trang, người dân được sắp xếp di chuyển theo khu vực đã phân luồng trước. Ban tổ chức bước đầu kiểm soát được yêu cầu giãn cách xã hội ở khu vực này.

Tuy nhiên, khu vực bên ngoài cổng Nhà Văn hóa Lao động tỉnh thì gần như không thể áp dụng giãn cách xã hội được. Số người tập trung quá đông trong một thời điểm, không đảm bảo được khoảng cách an toàn, đòi hỏi Ban tổ chức linh động hơn. Song song với máy "ATM gạo" tự động, một khu vực cấp phát thủ công khác được hình thành để khẩn trương cấp gạo và giải tỏa đám đông. Nhưng giải pháp tình thế này tạo một áp lực lớn lên đội ngũ phục vụ khi vừa phải cắt cử người đảm bảo khoảng cách an toàn, vừa liên tục phân chia gạo, trứng và cấp phát.

Ông Hồ Sĩ Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, khẳng định: "Gạo đủ để hỗ trợ tất cả bà con đang thiếu đói do dịch bệnh. Khung thời gian mở "ATM gạo" từ 7 giờ đến 10 giờ và từ 14 giờ đến 17 giờ. Bà con không nên tập trung cùng một lúc, chờ đợi mệt mỏi, mất thời gian, không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, chưa kể tạo áp lực lớn lên khâu tổ chức".

Ông Lương Đình Tiên, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh, đúc kết: "Có nhiều điều sẽ phải rút kinh nghiệm sau buổi đầu tiên hoạt động "ATM gạo". Từ ngày 16.4, chúng tôi có chuẩn bị thêm ghế cho bà con ngồi bởi phần lớn người đi nhận gạo là người già, đau ốm, khuyết tật. Đồng thời, chuẩn bị kỹ các yếu tố cần thiết để đảm bảo đúng yêu cầu về xếp hàng, yêu cầu về khoảng cách an toàn cho người nhận gạo...".

NGUYỄN MUỘI - Nguồn Báo Bình Định