CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
Vĩnh Thạnh: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số
Thứ sáu 30/10/2020 16:01
Nằm trong tổng thể “bức tranh” văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh Bình Định, huyện Vĩnh Thạnh có nhiều dân tộc cùng chung sống, lưu giữ nhiều văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, thiết thực và hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh có gần 20 dân tộc anh em cùng sinh sống là Kinh, Ba na, Chăm, H'rê, Thái, Dao, Mường, Nùng và một số dân tộc khác, trong đó đồng bào DTTS chiếm 32,5% dân số toàn huyện. Trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng đã tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội trong đó có việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS cả nước nói chung, Bình Định và Vĩnh Thạnh nói riêng; đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu văn hóa, học hỏi, truyền bá các loại hình văn hóa nhưng đồng thời cũng đan xen những khó khăn, thách thức; việc tiếp thu thiếu chọn lọc và nguy cơ đánh mất bản sắc, đặc trưng, giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Sinh hoạt văn hóa Cồng chiêng của người Ba na ở Vĩnh Thạnh

Xây dựng diện mạo đời sống văn hóa phong phú

Xác định được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn huyện, trong thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Thạnh đã quán triệt, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các các tổ chức chính trị - xã hội trong huyện quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc" gắn với bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa dân tộc, kết hợp khai thác và phát huy đặc trưng văn hóa vùng miền, đưa văn hóa các dân tộc thiểu số trở thành một trong những yếu tố tích cực để thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Nổi bật là phục dựng các nghi lễ truyền thống: Lễ cúng nhà Rông mới, lễ mừng lúa mới; tổ chức các chương trình, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng: Hát Hơ mon, truyện kể, múa xoan, văn học dân gian, các nhạc cụ truyền thống; mở các câu lạc bộ, lớp bồi dưỡng về nghệ thuật dân gian, giảng dạy đánh cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm; tiếp nhận và bàn giao 34 bộ cồng, chiêng cho 31 làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và 3 trường PTDT nội trú và bán trú trên địa bàn; thành lập 11 câu lạc bộ Cồng chiêng; tích cực tham gia Ngày hội văn hóa - thể thao các DTTS do tỉnh, huyện và các địa phương tổ chức. 

 Công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc được phát huy. Chữ viết của dân tộc Bana Kriêm đã được quan tâm nghiên cứu, biên soạn và tổ chức các lớp dạy tiếng và chữ viết Bana Kriêm cho cán bộ các cấp trên địa bàn huyện. Hoàn thành các đề tài nghiên cứu về văn hóa: "Nghiên cứu văn hóa Làng của người Bana Kriêm ở Bình Định", "Lễ ăn trâu tạ ơn của người Bana làng Kon TơLok (Vĩnh Thạnh)", "Lễ ăn trâu mừng nhà rông của người Bana". Sưu tầm, in và phát hành 02 tập sách: Trường ca Bana và Sử thi Bana. Chú trọng giáo dục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong các trường học, nhất là đối với các trường PTDT nội trú và bán trú. Ngoài ra, các nhạc cụ truyền thống; các nghề dệt vải, đan lát; trang phục sinh hoạt truyền thống được gìn giữ và phát huy hiệu quả trong đời sống, sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, được đông đảo người dân đón nhận và tự hào.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn huyện còn có những khó khăn, hạn chế. Công tác quản lý trên một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao; thiếu những giải pháp khả thi, chưa có được những mô hình, những phương thức tổ chức sinh hoạt văn hóa thực sự hiệu quả ở cơ sở; thiếu những công trình nghiên cứu khoa học mang tính thực tiễn; nguồn kinh phí, ngân sách, phương tiện, con người đầu tư, bố trí cho lĩnh vực này còn ít, đặc biệt là sự thiếu hụt lực lượng cán bộ làm công tác văn hóa là người dân tộc thiểu số ở địa phương. Chưa có nhiều tác phẩm, công trình nghệ thuật dân gian tạo được sức lôi cuốn, hấp dẫn công chúng. Việc huy động các nguồn lực xã hội cho lĩnh vực này còn hạn chế. Một số nét đẹp văn hóa trong lối sống, phong tục tập quán cùng lễ hội truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một… 

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội

Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước. Có chính sách khuyến khích nhằm xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa, khôi phục làng nghề truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Có chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa, nhất là cán bộ người DTTS; tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa để nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số.../.

                                                                                                 Minh Lực