CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
Nhân Ngày Người cao tuổi Việt Nam 06/6: Chung tay chăm sóc người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn
Chủ nhật 06/06/2021 12:54
Năm 2021, công tác người cao tuổi với chủ đề “Chung tay chăm sóc người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn” nhằm kêu gọi các cấp, ngành và toàn xã hội tiếp tục quan tâm ưu tiên, chung tay chăm sóc người cao tuổi, nhất là người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

Theo kết quả điều tra biến động dân số - kế hoạch hóa gia đình, năm 2011 nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số; năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm 11,86% dân số; dự báo tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 16,66% vào năm 2029 và lên 26,1% vào năm 2049.

Nước ta là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già (Pháp mất 115 năm, Australia 73 năm...), thì ở Việt Nam chỉ khoảng 26 năm (theo Bộ Y tế).

Ở Bình Định, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên đã tăng từ 10,8% (năm 2009) lên 14,2% (năm 2019), tăng 3,4%, trong khi cả nước tăng 3% (từ 8,9% lên 11,9%). Tuổi thọ bình quân năm 2019 của người dân trong tỉnh là 73,5 tuổi, tương đương cả nước (73,6 tuổi). Như vậy, tốc độ già hóa dân số của tỉnh diễn ra nhanh hơn cả nước. Dự báo đến năm 2030, tốc độ già hóa dân số ở tỉnh Bình Định vẫn tiếp tục tăng nhanh.

Tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn cho đất nước nói chung và tỉnh ta nói riêng về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí... đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Hiện nay người cao tuổi sống chủ yếu ở nông thôn, sống cùng con cháu; đời sống người cao tuổi còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo có người cao tuổi còn cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước; người cao tuổi đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mạn tính, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn…

Công tác người cao tuổi luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách nhằm chăm sóc người cao tuổi ngày càng tốt hơn. Các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí, huy động các nguồn lực xã hội thực hiện tốt công tác chăm sóc người cao tuổi, phát huy vai trò của người cao tuổi, tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia tích cực, hiệu quả các chương trình mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phong trào bảo vệ an ninh, trật tự; sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao tại địa bàn, khu dân cư… Tỉnh xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi đến năm 2030, trong đó đề ra các mục tiêu phấn đấu thực hiện đến năm 2030 như: người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% vào năm 2025, 100% vào năm 2030; người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm đạt 70% vào năm 2025, 90% vào năm 2030; 100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc được gia đình và cộng đồng chăm sóc sức khỏe vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được khám và điều trị tại nơi ở đạt 70% vào năm 2025, 100% vào năm 2030…

Để công tác chăm sóc người cao tuổi nói chung và chăm sóc người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn nói riêng có hiệu quả, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực, sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Thanh Sang