Năm 2024 là dấu mốc đặc biệt trong công tác giảm nghèo của tỉnh Bình Định khi có thêm nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp mới được triển khai dựa trên cơ sở rà soát, bám sát từng nguyên nhân nghèo. Cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc với tâm thế quyết liệt hơn, nhiều địa phương đặt mục tiêu xóa hộ nghèo trong năm 2024. Bình Định đang nỗ lực, quyết tâm trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo của cả nước.
Kỳ 1: Giảm nghèo - không thể nói chung chung!
Bình Định đang đứng ở đâu trong bức tranh giảm nghèo của cả nước? Nguyên nhân nghèo của từng hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là gì? Đó là những câu hỏi được đặt ra để giải “bài toán” giảm nghèo một cách căn cơ.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chú trọng huy động nguồn lực ngoài ngân sách để hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo.
- Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ tiếp nhận sự ủng hộ của các đơn vị, tổ chức, DN nhân Tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2022. Ảnh: N.M
Tỷ lệ hộ nghèo của Bình Định cao hơn cả nước
Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta nhằm chăm lo cho đời sống của một bộ phận người dân còn hết sức khó khăn. Mỗi thời kỳ, chủ trương của Đảng về giảm nghèo được cụ thể hóa với những nội dung, giải pháp phù hợp điều kiện phát triển KT-XH. Trước năm 2015, chuẩn nghèo được đo lường vào thu nhập của hộ tính theo từng thành viên. Từ năm 2016 đến nay, chuẩn nghèo sử dụng kết hợp chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin).
Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23.6.2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII (về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030) đặt ra mục tiêu: “Thực hiện thắng lợi mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn…”.
Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24.11.2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới) nhấn mạnh: “Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều, bao trùm, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống lâu dài cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
Tại Bình Định, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện các chính sách, dự án, chương trình, đảm bảo mọi người dân có cơ hội tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ, biết cách làm ăn, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 3,13%, cao hơn cả nước (2,93%). Đáng nói, tỷ lệ hộ nghèo chỉ giảm 1,37% so với năm 2022, trong khi Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ tỉnh đề ra chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1,5 - 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi (Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão) là 20,68%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của tỉnh.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cùng đại diện địa phương trao nhà Đại đoàn kết cho hộ ông Nguyễn Văn Phương (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước). Ảnh: ĐVCC
Nhận diện từng nguyên nhân
Quyết tâm có những đột phá trong công tác giảm nghèo từ năm 2024 theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH và các ngành liên quan tổng rà soát lại số liệu về hộ nghèo, hộ cận nghèo; chỉ rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp cụ thể cho từng đối tượng.
Thực tế cho thấy, nhiều hộ nghèo sau khi thoát nghèo vẫn chưa đạt được sự ổn định dẫn đến nguy cơ tái nghèo, thậm chí muốn quay lại diện hộ nghèo để tiếp tục nhận hỗ trợ từ Nhà nước. Một số hộ nghèo và cận nghèo không có khả năng lao động (như người cao tuổi, khuyết tật, trẻ mồ côi…) gặp rất nhiều khó khăn trong việc vươn lên thoát nghèo. Các hộ nghèo, cận nghèo có thành viên mắc bệnh nặng hoặc đau ốm kéo dài có tâm lý mong muốn quay lại diện hộ nghèo để được hỗ trợ về BHYT…
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn từng đặt ra yêu cầu phải nắm chắc dữ liệu hộ nghèo, cận nghèo thực sự của địa phương và nguyên nhân nghèo, không chung chung mà cụ thể nguyên nhân nghèo của từng trường hợp.
“Tỉnh sẽ tiếp tục dành nguồn lực, huy động nguồn lực ngoài ngân sách để hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ tới, Bình Định quyết tâm đưa vào chỉ tiêu sẽ là một trong những tỉnh tiên phong về xóa hộ nghèo, đặt mục tiêu không còn hộ nghèo trong những năm đầu nhiệm kỳ”. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh HỒ QUỐC DŨNG |
Từ yêu cầu này, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đỗ Thị Diệu Hạnh đưa ra dữ liệu: Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 27.160 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong số này, có 910 hộ không có đất sản xuất; 1.578 hộ không có vốn sản xuất, kinh doanh; 4.968 hộ không có lao động; 3.482 hộ không có công cụ/phương tiện sản xuất; 2.262 hộ không có kiến thức về sản xuất; 2.849 hộ không có kỹ năng lao động, sản xuất; 6.049 hộ có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn; 6.991 hộ có các nguyên nhân khác.
“Với nguyên nhân nghèo do không có đất sản xuất, giải pháp đề ra là bố trí đất sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo ở vùng còn đất sản xuất; đồng thời, đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghề để hộ được bố trí đất có kiến thức, kỹ năng sử dụng đất để sản xuất. Đối với hộ nghèo, cận nghèo ở vùng không còn đất, các địa phương triển khai chuyển đổi nghề cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo…”, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh thông tin.
Trong khi đó, hộ nghèo không có vốn sản xuất, kinh doanh thì được hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH. Hộ không có công cụ, phương tiện sản xuất được hỗ trợ vay vốn khi có nhu cầu; hỗ trợ xây dựng cách thức làm ăn, hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về sử dụng công cụ, phương tiện sản xuất; hỗ trợ tham gia dự án sản xuất cộng đồng…
Qua rà soát, phân loại 4.968 hộ nghèo, cận nghèo không có lao động, tổng số nhân khẩu là 7.452 người. Trong số này, có hơn 5.700 người cao tuổi, 62 trẻ em mồ côi, 1.522 người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng. Đối với người cao tuổi dưới 80 tuổi, Sở LĐ-TB&XH đề xuất giải pháp hỗ trợ thẻ BHYT khi thoát nghèo. Mặt khác, hỗ trợ thêm 0,5 mức chuẩn trợ giúp bảo trợ xã hội hằng tháng đối với các trường hợp người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, trẻ mồ côi.
“Bên cạnh đó, phải xác định vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác giảm nghèo - vị trí trọng tâm, mang tính dẫn dắt, quy tụ các nguồn lực để hỗ trợ cho việc thực hiện công tác giảm nghèo. Ý thức của người đứng đầu rất quan trọng”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Mục tiêu rõ ràng Nhằm tạo ra bước chuyển vượt bậc cho công tác giảm nghèo, đầu năm 2024, tỉnh Bình Định đã xác định các mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2024 - 2025: - Đến cuối năm 2024, Bình Định phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo còn 1,13%, giảm 2% so với năm 2023 (8.848 hộ nghèo thoát nghèo), đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. - Năm 2025, tiếp tục duy trì tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh thấp hơn bình quân chung của cả nước. Dự kiến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh dưới 0,7% so với tỷ lệ hộ nghèo cả nước (dự kiến cả nước còn từ 0,9 - 0,8%). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3 - 4%/năm. Một số xã, phường của TX Hoài Nhơn, TX An Nhơn và TP Quy Nhơn không còn hộ nghèo. Các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo dưới 6%. Huyện nghèo An Lão thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. |
Kỳ 2: Gỡ từng nút thắt, mở lối vươn lên
N.MUỘI - D.ĐĂNG - T.KHUY - Nguồn Báo Bình Định