Những ngày gần đây, BVÐK tỉnh liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ và các bệnh lý tim mạch chuyển nặng được đưa vào cấp cứu, điều trị do ảnh hưởng từ thời tiết nắng nóng.
Bệnh nhân đột quỵ chuyển viện từ… 250 km
Đột quỵ là một trong các vấn đề nguy cấp và nặng nhất có thể gặp trong thời tiết nắng nóng kéo dài. Một trong những bệnh nhân đặc biệt khoa Thần kinh - Đột quỵ (BVĐK tỉnh) tiếp nhận cấp cứu được chuyển viện từ BVĐK tỉnh Khánh Hòa là bệnh nhân N.C (66 tuổi), bị tắc động mạch não giữa bên phải do huyết khối từ tim trôi lên.
Khoa Thần kinh - Đột quỵ BVĐK tỉnh tiếp nhận cấp cứu điều trị bệnh nhân đột quỵ được chuyển viện từ ngoài tỉnh. Ảnh: M.H
Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Trung, Trưởng khoa Thần kinh - Đột quỵ, cho hay: 2 BVĐK tỉnh cách nhau gần 250 km. Chúng tôi đã phối hợp để chuyển viện an toàn và đón bệnh nhân tại BVĐK tỉnh Bình Định. Nhanh chóng tiến hành can thiệp nội mạch dưới hệ thống máy DSA, e kíp can thiệp của khoa Thần kinh - Đột quỵ lấy bỏ huyết khối, tái thông mạch thành công sau 45 phút can thiệp. Ca cấp cứu kịp thời giúp bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần, có cơ hội quay lại cuộc sống bình thường.
Quy mô thiết kế chỉ 70 giường bệnh, nhưng gần đây số lượng bệnh nhân tại khoa Thần kinh - Đột quỵ thường xuyên vượt 80 bệnh nhân. Giường cấp cứu, máy thở luôn hoạt động hết công suất. Hiện, BVĐK tỉnh điều động tạm thời nhân lực từ các khoa, phòng khác chi viện cho khoa Thần kinh - Đột quỵ nhằm đảm bảo điều trị kịp thời cho bệnh nhân.
Không chỉ bệnh nhân trong tỉnh, khoa quá tải bởi số lượng bệnh nhân nặng chuyển viện từ các BVĐK tỉnh lân cận, như: BVĐK tỉnh Gia Lai, Bệnh viện ĐH Y Dược Hoàng Anh Gia Lai, BVĐK tỉnh Phú Yên và BVĐK tỉnh Khánh Hòa.
“Bệnh nhân đột quỵ tăng thường mắc sẵn nhiều bệnh nền như huyết áp, tim mạch, tiểu đường… Việc thời tiết nắng nóng cực đoan, thay đổi đột ngột làm gia tăng yếu tố bất lợi cho những người có nguy cơ đột quỵ cao. Hơn thế nữa, bệnh xu hướng tăng dần, trẻ hóa và mức độ nặng của bệnh cũng tăng theo mà cho đến giờ chưa có dấu hiệu chậm lại”, bác sĩ Trung chia sẻ.
Quá tải bệnh nhân tim mạch cũng đang diễn ra tại khoa Nội Tim mạch. Bác sĩ CKII về tim mạch Phan Nam Hùng, Phó trưởng khoa phụ trách khoa Nội Tim mạch, cho hay: Bệnh nhân khám tại phòng khám khoa Nội tim mạch rất đông, quá tải, trên 130 bệnh nhân/ngày. Bệnh nhân tăng chủ yếu rơi vào những bệnh tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim, suy tim…
Ngày 13.4, bệnh nhân Mai Đức Hùng (54 tuổi, TX An Nhơn) được đưa vào khoa cấp cứu do chảy máu mũi, huyết áp 200 mmHg, đã nhét merch cầm máu. Chẩn đoán bệnh nhân tăng huyết áp độ III - chảy máu mũi đã cầm - rối loạn lipid máu, các bác sĩ của khoa đã can thiệp kịp thời.
Trước đó 1 ngày, bệnh nhân Nguyễn Ánh Hồng (81 tuổi, ở huyện Phù Cát) cũng được chuyển viện do khó thở, nhịp tim 125 lần/phút. Kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân bị suy tim EF bảo tồn - rung nhĩ đáp ứng thất nhanh - tiền sử tăng huyết áp. Sau 3 ngày cấp cứu điều trị, bệnh nhân không còn khó thở, nhịp tim trở về 74 lần/phút.
Những ai cần chú ý?
Bác sĩ Phan Nam Hùng cho hay, liên quan đến huyết áp, nắng nóng khiến tim đập nhanh và huyết áp tăng lên. Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột từ nóng sang lạnh, đi làm vườn vào nhà, hoặc đi làm về, từ ngoài nắng vào phòng lạnh làm mạch máu co lại, dẫn đến huyết áp tăng. Ngược lại, đang ở trong phòng lạnh mà đi ra ngoài, thời tiết nóng bức làm mạch máu giãn nở, khiến huyết áp dễ bị hạ đột ngột. Do đó, cần kiểm tra huyết áp khi có biểu hiện đau đầu, chóng mặt…, đặc biệt kiểm tra huyết áp hằng ngày cho người già và người có tiền sử tăng huyết áp.
Liên quan đến bệnh nhân có tiền sử bệnh động mạch vành, thời tiết nắng nóng hiện nay dễ cảm thấy đau thắt ngực tăng lên khi gắng sức hoạt động thể lực, hoặc ngay cả trong khi nghỉ ngơi.
Với rối loạn nhịp tim và suy tim, nắng nóng tạo áp lực lên hệ tim mạch bởi tình trạng mất nước qua mồ hôi cũng như nhiệt độ cao khiến cho nhịp tim tăng đáng kể và tim phải làm việc nhiều hơn. Do đó, có thể làm tăng nguy cơ gây nên các cơn đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim và thậm chí là suy tim. Dấu hiệu nhận biết là khi bệnh nhân thấy hồi hộp, đánh trống ngực, mạch không đều, phù, khó thở…
Trong khi đó, khuyến cáo từ bác sĩ Nguyễn Văn Trung cần phân biệt những dấu hiệu người bị đột quỵ với trường hợp do các bệnh lý khác như kiệt sức, sốc nhiệt gây ra. Đó là bệnh nhân đột ngột xuất hiện các dấu hiệu như: Méo miệng, nói khó, nuốt sặc, liệt nửa người cùng bên, thay đổi tri giác, lơ mơ.
Việc kiểm soát stress, ăn uống lành mạnh (tăng cường trái cây, rau quả), ngủ đủ giấc, kiểm soát huyết áp và đường huyết, giảm rượu bia, khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt giảm thuốc lá sẽ góp phần ổn định tim mạch và chủ động ngăn ngừa đột quỵ. Khi hoạt động dưới trời nắng nóng cần có trang phục bảo vệ; tránh thay đổi đột ngột môi trường; theo dõi sức khỏe định kỳ và dùng thuốc theo chỉ định, khi thấy bất thường trong cơ thể cần đi khám ngay.
Nguồn Báo Bình Định