Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm phát động từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2023, với chủ đề “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.
Tháng hành động là sự kiện quan trọng nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người nhiễm mới HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 (Ảnh minh họa)
Triển khai toàn diện các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.
Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, trong đó đề ra mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030. Ngày 06/7/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường lãnh đạo công tác công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 - đây cũng là mục tiêu toàn cầu về phòng, chống HIV/AIDS.
Theo số liệu của Bộ Y tế, 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam có khoảng 249.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 230.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống. Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây.
Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma túy (từ 28,6% năm 2004 xuống 12,1% năm 2021) và phụ nữ bán dâm (từ 5,9% năm 2002 xuống 2,5% năm 2022); Việt Nam giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% (hiện ước đạt 0,26%), giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nguy cơ dịch AIDS quay trở lại còn cao
Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao. Số liệu giám sát cho thấy dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy vẫn còn ở mức trên 12,1%; đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây (từ 3,95% năm 2011, lên 5,1% năm 2015 và 12,5% năm 2022). Số MSM chiếm khoảng 42,3% trong số người nhiễm HIV được phát hiện 8 tháng đầu năm 2023, chủ yếu ở độ tuổi trẻ từ 16 - 29 tuổi (chiếm 41,7%), đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên (cá biệt có tỉnh chiếm đến 80% tổng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện).
Cũng trong số liệu giám sát phát hiện hàng năm, nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Nhóm tuổi 16 - 29 tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 4,0% năm 2012, đến 12,9% năm 2019 và 25,9% năm 2023. Phân tích đường lây trong nhóm tuổi này cho thấy, 88,5% lây qua đường tình dục, đối tượng là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 76,9% trong số những ca mới phát hiện trong độ tuổi này.
Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ 15 - 24 tuổi chỉ chiếm 39,8%, ở nam độ tuổi này là 48,7%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nữ 15 - 24 tuổi là 36,6%, ở nam độ tuổi này là 39,7%. Ngay cả với các em có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV cũng chỉ đạt ở 39,8% đối với nữ, và 48,7% đối với nam. Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân Việt Nam 15 - 49 tuổi là 80% ở cả hai chỉ số trên.
Cần sáng tạo trong phòng, chống HIV/AIDS
Trước tình hình dịch HIV/AIDS còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi công tác phòng, chống HIV/AIDS cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.
Theo Bộ Y tế, sau 30 năm phòng, chống HIV/AIDS, có rất nhiều sáng kiến hay, mô hình hiệu quả đã được áp dụng trong truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi, trong tiếp cận dịch vụ từ dự phòng lây nhiễm HIV, can thiệp giảm tác hại đến điều trị liên quan đến HIV/AIDS. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, có những thay đổi về các yếu tố dịch tễ HIV/AIDS, nguồn lực phòng chống HIV/AIDS, hệ thống tổ chức cơ quan chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, cùng với sự hiểu biết của người dân về HIV, sự chia sẻ đồng cảm với người nhiễm HIV và các quần thể đích được nâng lên trong sự phát triển chung của toàn xã hội thì công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng cần có những cách tiếp cận mới, sáng tạo và phù hợp.
Đặc biệt, dịch HIV/AIDS đang ảnh hưởng mạnh lên nhóm tuổi trẻ, đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ và phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động các cấp, ngành Giáo dục - Đào tạo và Ngành y tế trong việc đẩy mạnh phòng, chống HIV/AIDS ở trường học và các khu công nghiệp; tăng cường phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông, vận động, giáo dục bằng nhiều hình thức để nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành cho thanh niên, học sinh, sinh viên, công nhân trong cuộc chiến với đại dịch HIV/AIDS, hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Chấm dứt dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS là khi Việt Nam đạt được các tiêu chí sau: - Số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 1.000 trường hợp/năm (hiện nay >10.000 trường hợp/năm). - Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1 người/100.000 dân (hiện nay, ước tính 3,5 người/100.000 dân). - Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con dưới 2% (hiện nay 6%). |
Thanh Sang