Huyện Hoài Ân có 3 xã vùng cao Ðak Mang, Bok Tới, Ân Sơn là nơi sinh sống của đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số Bana, H’rê ở địa phương. Nhờ nỗ lực bảo tồn trong nhiều năm qua, bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng này đã phát huy tốt trong đời sống hôm nay.
Ở huyện Hoài Ân, nhiều phong tục, tập quán, dân ca, dân vũ và các lễ hội truyền thống đặc sắc được giữ gìn, truyền lưu rất tốt. Theo ông Võ Văn Tín, Trưởng Phòng VH-TT huyện Hoài Ân, đồng bào Bana, H’rê ở 3 xã vùng cao của huyện có nhiều lễ hội dân gian, như: Lễ mừng cốm lúa mới của người Bana ở Bok Tới, Đak Mang; lễ cầu vía của người H’rê ở Ân Sơn… cùng với đó là nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, múa xoang; các loại nhạc cụ dân tộc, như đàn t’rưng, đàn blơn khơng… của đồng bào Bana; bộ chiêng ba chiếc, bộ cồng ba chiếc, trống… của đồng bào H’rê. Cùng với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong các lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa, đặc biệt nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, tăng tình đoàn kết cộng đồng cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, văn minh, định kỳ 2 năm/lần, UBND huyện lại luân phiên cho tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc tại 3 xã vùng cao.
Bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số huyện Hoài Ân được bảo tồn, trao truyền và phát huy tốt vào đời sống hôm nay. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Xã Ân Sơn có hơn 85% người H’rê, còn lại là người Bana và một ít người Kinh sinh sống. Ông Đinh Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Ân Sơn, cho biết: Đồng bào H’rê, Bana ở Ân Sơn giữ gìn nét đẹp văn hóa được thể hiện nhiều mặt, từ lao động, sản xuất, sinh hoạt hằng ngày đến lễ hội. Đến nay, hai thôn của xã gồm thôn 1 và thôn 2 đều thành lập đội cồng chiêng, múa xoang; bà con cũng chung tay giữ gìn, truyền dạy các loại nhạc cụ độc đáo của đồng bào Bana; độc tấu, hòa tấu chiêng 3 lá và chiêng 5 của đồng bào H’rê; các loại hình dân ca, dân vũ của hai cộng đồng H’rê, Bana cho lớp trẻ kế thừa. So với nhiều năm trước, mấy năm gần đây số lần diễn tấu cồng chiêng, trình diễn dân vũ, dân ca lớn hơn rất nhiều, bà con cũng nhiệt tình ủng hộ.
Em Đinh Thị Hạnh, ở thôn 2, xã Ân Sơn, chia sẻ: “Từ nhỏ, em đã thích múa xoang. Đến khi học cấp 3 tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định, em được học thêm kỹ thuật múa xoang, rồi về địa phương có các anh chị đi trước kèm cặp thêm khi tham gia vào đội múa xoang của thôn. Đặc trưng của vũ điệu múa xoang của đồng bào H’rê có khác với đồng bào Bana ở một số động tác biểu diễn, nhịp điệu, tiết tấu; những điểm khác này lớp trẻ như em khi theo học được nhắc nhở rất chu đáo. Có dịp là chúng em lại trình diễn phục vụ cộng đồng, nhất là trong các dịp lễ hội của thôn, của xã”.
Tại xã Bok Tới, đồng bào Bana sinh sống ở 5 thôn T1, T2, T4, T5, T6. Đến nay, mỗi thôn đều thành lập được đội cồng chiêng, múa xoang. Già làng Đinh Văn Khin, ở thôn T4, xã Bok Tới, tâm tình: “Những người già như chúng tôi rất lo lắng trước sự mai một văn hóa của dân tộc mình. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cộng đồng đã chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa. Nhà nước hỗ trợ mỗi làng mỗi bộ cồng chiêng, xây dựng nhà văn hóa thôn khang trang, lớp già truyền dạy lớp trẻ đánh cồng chiêng, nhạc cụ của dân tộc mình, dạy múa xoang cho lớp trẻ kế thừa. Tôi rất vui khi giờ đây tiếng cồng, tiếng chiêng, điệu múa xoang đã trở lại khắp nơi”.
Em Đinh Thị Thanh Tâm, ở thôn O6, xã Đak Mang, chia sẻ: “Việc quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương miền núi tổ chức lễ hội cũng giúp lớp trẻ như em có điều kiện giao lưu, thêm động lực để kế thừa thực hành di sản văn hóa của dân tộc”.
Nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số 3 xã vùng cao, huyện Hoài Ân đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030”. Ông Võ Văn Tín, Trưởng Phòng VH-TT huyện Hoài Ân, cho biết: Cùng với việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, huyện tiếp tục triển khai các giải pháp bảo tồn, phát huy phong tục, tập quán, tiếng nói, chữ viết, trang phục, dân ca, dân vũ, dân nhạc… để giữ gìn, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN - Nguồn Báo Bình Định