CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
Hành động thiết thực để trẻ em được sống vui, an toàn
Thứ ba 30/05/2023 07:45

Hôm nay (30.5), Sở LÐ-TB&XH phối hợp với UBND TP Quy Nhơn tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”. Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở LÐ-TB&XH Nguyễn Văn Hùng, người lớn phải thể hiện trách nhiệm bằng từng hành động cụ thể để trẻ em được sống vui vẻ, an toàn.

● Ông có thể nói sâu hơn về chủ đề năm nay?

- Chủ đề Tháng hành động vì trẻ em của từng năm đều có ý nghĩa sâu sắc, hướng đến việc đánh động, kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng, xã hội về những vấn đề nổi cộm, đáng lo ngại liên quan đến trẻ em.

Riêng với năm nay, sau một vài sự vụ đau lòng ở các tỉnh, thành khác, trong đó nhức nhối vấn đề bạo hành, xâm hại tình dục ở trẻ, bạo lực học đường, rồi đuối nước, TNGT… vấn đề bảo vệ trẻ cả về thể xác lẫn tinh thần, giảm thiểu những tổn hại ở các em được đưa ra ở mức cảnh báo cao nhất.

Tôi luôn cho rằng, trẻ em như những tờ giấy trắng. Các em cần được người lớn tạo điều kiện tốt nhất để sống vô tư, hồn nhiên, vui vẻ và khỏe mạnh, được học tập, lớn lên trong môi trường an toàn, lành mạnh. Tôi nghĩ rằng, các em không có trách nhiệm phải gánh chịu hậu quả từ những việc người lớn làm, nhưng đáng tiếc thực tế gần đây thì ngược lại. Chính vì lẽ đó, tôi rất tâm đắc với chủ đề của năm nay và mong muốn mọi người hãy hành động thật hiệu quả để giảm thiểu những tổn hại các em phải gánh chịu một cách oan ức.

Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hùng trao quà Tết cho bệnh nhi tại BVĐK tỉnh. Ảnh: N.T

● Với chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm nay, theo ông, giải pháp nào cần được chú trọng nhất?

- Tôi cho rằng, để giảm thiểu tổn hại ở trẻ em, không thể thiếu sự quan tâm, vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và lực lượng CA. Nhiều người cho rằng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ là quan trọng nhất; nhưng đã có không ít vụ trẻ bị bạo hành bởi chính người thân trong gia đình. Những lúc như vậy, nếu hàng xóm hoặc người đi đường phát hiện, báo tin thì chính quyền địa phương, lực lượng chức năng cần can thiệp ngay. Tương tự như vậy, ở khu dân cư hay bất chợt ở ngoài đường, nhìn thấy một đứa trẻ bị đánh hoặc nghi bị chăn dắt, người qua đường quan tâm báo tin thì cần có sự vào cuộc ngay của chính quyền sở tại và lực lượng CA.

Có một thực tế là bản thân người phát hiện, báo tin những vụ xâm hại trẻ sẽ gặp rủi ro, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không có sự xuất hiện đúng lúc của cơ quan chức năng. Để thấy rằng, công tác tuyên truyền, vận động người dân phát hiện, tố giác những hành vi xâm hại trẻ cần có sự tiếp sức, vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và lực lượng CA thì mới tạo ra được sức mạnh cộng đồng, hạn chế cách sống “cầu an để tránh việc rước phiền phức không đáng có”.

● Dù ủng hộ việc dùng chế tài nghiêm khắc đối với hành vi xâm hại trẻ, nhưng ông lại thiên nhiều hơn đến việc khơi gợi sự thương yêu trẻ trong lòng người lớn, từ đó khuyến khích người lớn làm những điều tốt đẹp nhất cho trẻ. Điều này có “lý tưởng” quá?

- Tôi cho là không. Trong nỗ lực phòng chống xâm hại ở trẻ em, tôi luôn thiên về công tác phòng và cho đây là yếu tố cơ bản hơn. Để phòng tốt thì căn cơ vẫn là công tác tuyên truyền, đánh động lòng trắc ẩn ở người lớn, người có thẩm quyền, chức năng. Đó chính là cách khơi gợi sức mạnh cộng đồng, tạo ra những tác động trực tiếp để người người nhà nhà cùng chung tay bảo vệ các em.

Để làm tốt điều này, theo tôi, cần xây dựng mạng lưới tình nguyện viên về công tác trẻ em sâu rộng và đầy trách nhiệm. Bởi, ai cũng có con, có cháu, khi về địa phương công tác, tôi hay hỏi người dân làm gì khi nhìn thấy một đứa bé bị đánh, bị tát tai, bị hành hạ; nếu đó là con cháu nhà mình thì mình có sốt ruột không? Huống hồ đứa trẻ hầu như không có khả năng phản kháng, tự bảo vệ? Hay trong quá trình đi tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng, cán bộ, tình nguyện viên nhìn thấy một đứa trẻ đi lang thang ngoài đường trưa nắng, khóc rưng rưng mà động lòng, dừng lại hỏi han xem, cháu có biết đường về nhà không? Tôi thật sự muốn hướng đến những điều đó.

Năm nay, Sở LĐ-TB&XH đề xuất UBND tỉnh chọn TP Quy Nhơn để tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 còn với mong muốn khẳng định quyết tâm tạo ra môi trường biển an toàn cho tất cả trẻ em trong tỉnh và du khách, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của tỉnh, TP Quy Nhơn trong công tác phòng ngừa, ứng phó với những rủi ro trong môi trường nước, nhất là nguy cơ đuối nước trong dịp hè.

● Xin cảm ơn ông!

NGỌC TÚ (Thực hiện) - Nguồn Báo Bình Định