Trong những năm qua, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai rộng khắp, gắn kết với nhiều cuộc vận động, phong trào và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh.
Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định được tổ chức định kỳ đã trở thành dịp sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của các dân tộc trên địa bàn tỉnh
Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh, tạo được sự đồng tình, hưởng ứng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó, số lượng các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa ngày càng tăng.
Việc cưới, việc tang hiện nay ở các địa phương trong tỉnh được tổ chức theo hướng tinh gọn, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Các nghi thức truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số được gìn giữ và phát huy; nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã được loại bỏ.
Nhiều lễ hội dân gian hàng năm ở các địa phương được duy trì, tổ chức đúng định hướng của Nhà nước và thực sự trở thành ngày hội, mang đậm sắc thái vùng miền, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi, Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền biển… được tổ chức định kỳ đã trở thành dịp sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Thông qua các ngày hội, những sắc thái văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh được khôi phục, bảo tồn, phát huy, qua đó góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã thực sự trở thành phong trào thi đua rộng lớn, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân và các gia đình tham gia. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 389.940 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 95,05%. Trong quá trình vun đắp, xây dựng tổ ấm, các gia đình văn hóa đã thực hiện lối sống lành mạnh, trung thực, nhân ái, kỷ cương, nền nếp, có ý thức chấp hành chính sách, pháp luật.
Phong trào xây dựng làng văn hóa, khu phố văn hóa, thôn văn hóa được phát triển rộng khắp từ đô thị đến nông thôn, miền biển, miền núi, góp phần làm cho bộ mặt của tỉnh ngày càng đổi mới. Đến năm 2022, toàn tỉnh có 1.091 khu dân cư được công nhận danh hiệu làng văn hóa, thôn văn hóa, khu phố văn hóa, chiếm tỷ lệ 97,75%.
Qua xây dựng làng văn hóa, khu khố văn hóa, thôn văn hóa, khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy mạnh mẽ. Các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được gìn giữ và phát huy; các truyền thống tốt đẹp của dân tộc như “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tinh thần tương thân tương ái… được phát huy mạnh mẽ trong cộng đồng. Các hoạt động hỗ trợ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đô thị văn minh ngày càng được lan tỏa. Nhiều làng nghề, nghề truyền thống, nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy, phát triển. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, thể dục, thể thao được thường xuyên tổ chức với các hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn, qua đó đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần ngày càng cao của người dân.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào thi đua “Tỉnh Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai rộng khắp, góp phần làm cho diện mạo khu vực nông thôn của tỉnh đổi mới rõ rệt, chất lượng đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 5/11 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nông thôn mới, đạt tỷ lệ 45,45%; 87/113 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 77%. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 3,16%. Hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, đặc biệt hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở như nhà văn hóa, khu sinh hoạt văn hóa - thể thao, thư viện, điểm bưu điện - văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng, trung tâm học tập cộng đồng… ngày càng hoàn thiện, phát huy hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân.
Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Qua thực hiện phong trào, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và thực hiện nếp sống văn minh; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được gìn giữ và phát huy; nhiều giá trị văn hóa mới, tiên tiến được chọn lọc, tiếp thu và bồi đắp; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao… Qua đó, góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Định đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh, đất nước.
Thanh Sang