Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21.4) lần thứ 2 năm 2023, nhiều cơ quan, trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động nhằm khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách; tôn vinh giá trị của sách, xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc.
Nhiều hoạt động hưởng ứng
Ngày 14.4 vừa qua, Trường THCS An Hòa (xã An Hòa, huyện An Lão) vui nhộn hơn ngày thường bởi các hoạt động, như: Tặng sách, trưng bày sách phục vụ bạn đọc, chơi trò chơi “Đố vui để học” có tặng sách… do Sở TT&TT phối hợp Sở VH&TT, UBND huyện An Lão tổ chức, nhằm phát động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023.
Học sinh Trường THCS An Hòa (xã An Hòa, huyện An Lão) đọc sách trưng bày trên xe thư viện lưu động do Thư viện tỉnh đưa đến tại trường. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Bà Phạm Thị Diễm Lệ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS An Hòa, chia sẻ: “Với những ngôi trường miền núi thì việc tổ chức các hoạt động như thế này vừa giàu ý nghĩa vừa hết sức thiết thực trong khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, từ trường học sẽ lan tỏa ra cộng đồng”.
Hào hứng khi được tham gia các hoạt động vui nhộn tại trường, em Huỳnh Đăng Khôi, lớp 6A3, chia sẻ: “Vừa được đọc sách, vừa được chơi trò chơi, em và các bạn rất thích. Em thích đọc sách vì nó giúp em có thêm kiến thức bổ ích trong học tập, hiểu thêm về cuộc sống”.
Mỗi giờ ra chơi, Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) - ngôi trường đầu tiên trong tỉnh có thư viện số, thư viện xanh ngoài trời, lại sôi nổi hẳn lên bởi các hoạt động đọc sách, chơi trò chơi dân gian, vẽ tranh… của học sinh khi đến với thư viện trường.
Ông Giả Tấn Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn, cho biết: Ngoài giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, trường còn phát động phong trào “Chung tay xây dựng tủ sách của em” nhằm tăng số lượng sách thư viện trường, hỗ trợ sách cho các em có hoàn cảnh khó khăn, phát động phong trào đọc sách trong toàn trường. Năm nay, trường sẽ tổ chức một số hoạt động về giới thiệu sách, học sinh thi xếp sách nghệ thuật tại góc thư viện mỗi lớp, kể những câu đã được đọc trong sách… để hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Trường ĐH Quy Nhơn cũng tổ chức trưng bày giới thiệu một số bộ sưu tập sách giáo trình, sách tham khảo theo các chuyên đề, thơ, văn, truyện ngắn… tại thư viện trường để phục vụ bạn đọc. Cùng với đó, để tăng tính sinh động cho sự kiện, trường còn tổ chức các hoạt động giới thiệu mặt nạ hát bội Bình Định, biểu diễn nghệ thuật hát bội; viết thư pháp tặng bạn đọc; tặng sách; các CLB sinh viên bày bán sản phẩm handmade gây quỹ… để hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn tham quan, đọc sách tại các gian trưng bày sách, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Thư viện trường. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Em Hà Thị Hằng, sinh viên Khoa Kinh tế - Kế toán, thành viên CLB Sách và Hành động, tâm tình: “Tham gia sự kiện này, em cũng như các bạn sinh viên trong trường thấy việc đọc sách rất là quan trọng, không chỉ vậy còn hiểu thêm về di sản văn hóa của Bình Định. Riêng em, đọc sách giúp em cải thiện rất nhiều về kỹ năng trong học tập, giao tiếp, rút ra những bài học quý giá để hình thành nhân cách”.
Còn Kpă Minh Ánh, sinh viên Khoa Khoa học tự nhiên, bộc bạch: “Thú thực em cũng lười đọc sách, nhưng khi đến tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tổ chức tại Thư viện trường khiến em đã suy nghĩ lại và tự thấy cần phải thay đổi, nên tập thói quen đọc sách”.
Phát triển văn hóa đọc
Ngày 24.2.2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg về Ngày Sách Việt Nam. Đến ngày 4.11.2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào ngày 21.4 hằng năm trên phạm vi cả nước. Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tổ chức ngày hội văn hóa này trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức Ngày Sách Việt Nam trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, thiết thực và phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.
TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Thư viện Trường ĐH Quy Nhơn, cho hay: “Cùng với việc nâng cao chất lượng hoạt động thư viện trường qua việc bổ sung đầu sách, tăng cường kho sách trên nền tảng kỹ thuật số, hằng năm, thư viện trường đổi mới tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam để thu hút bạn đọc, hướng tới phát triển văn hóa đọc trong toàn trường có chiều sâu, mang lại hiệu quả cao”.
Mỗi năm, tại Việt Nam có hàng chục nghìn đầu sách được xuất bản với tổng số lượng phát hành là hàng trăm triệu bản dưới nhiều dạng như in, ấn phẩm điện tử, băng đĩa, bản đồ, tranh, ảnh các loại. Tuy nhiên, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và truyền thông hiện nay, văn hóa đọc đã bị lấn át bởi sự lôi cuốn của việc sử dụng internet và các phương tiện nghe nhìn, ảnh hưởng đáng kể đến việc làm giàu vốn tri thức, tâm hồn và văn hóa của mỗi con người.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Phạm Ngọc Thái khẳng định: Việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại tỉnh Bình Định hằng năm là hoạt động thiết thực, nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, hội, đoàn thể, địa phương để khuyến khích xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong toàn dân. Đây là động lực, công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu phấn đấu xây dựng nền tảng tri thức trong mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội.
Dù xã hội phát triển thì sách vẫn là công cụ hữu hiệu để mở mang tri thức và rèn luyện nhân cách. Đọc sách chính là một cách học tốt nhất. Chính vì vậy, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã đề ra những định hướng lớn về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới; trong đó, đề cao vai trò của văn hóa đọc.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Huỳnh Thị Anh Thảo cho biết: Ngành văn hóa đã từng bước đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động của Thư viện tỉnh; phối hợp xây dựng hệ thống thư viện cấp cơ sở, thư viện hệ thống đồn biên phòng, trại giam, thư viện trường học và tủ sách hội nông dân cấp xã trên toàn tỉnh bằng việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ, luân chuyển sách, đưa xe thư viện lưu động đa phương tiện… để phục vụ bạn đọc. Qua đó, góp phần xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có điều kiện KT-XH còn khó khăn...
ÐOÀN NGỌC NHUẬN - Nguồn Báo Bình Định