Tết Quý Mão 2023 là cái tết đầu tiên hơn 500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đón niềm vui an cư từ hỗ trợ vốn vay của Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26.4.2022 của Chính phủ về “Chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025”.
Ước mơ về một ngôi nhà chắc chắn, vững vàng đã trở thành hiện thực với gia đình chị Đinh Thị Bông (28 tuổi, dân tộc Chăm, ở khu phố Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh). Ngôi nhà cấp bốn lát gạch khang trang đã thay thế ngôi nhà sàn 12 năm tuổi đã xuống cấp trầm trọng để thực hiện nhiệm vụ che nắng che mưa cho gia đình nhỏ.
Gia đình chị Đinh Thị Bông đón tết Quý Mão trong căn nhà mới. Ảnh: PGD Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh
Được hỗ trợ vay 40 triệu đồng từ chương trình vay Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, cùng với tiền dành dụm và mượn anh chị em, vợ chồng chị Bông đã nhanh chóng hoàn thành căn nhà sau hơn một tháng triển khai. Về nhà mới, anh chị chưa sắm sửa được vật dụng gì, chỉ mua trả góp một chiếc tivi vì các con thích quá. “Vợ chồng tôi sẽ tiếp tục làm việc, chăn nuôi, làm rẫy, để dành tiền trả nợ Ngân hàng CSXH và người thân. Xong được khoản nợ mới mạnh dạn mua sắm thêm những thứ cần thiết khác”, chị Bông tâm sự.
Hộ anh Rah Lan Hảo (32 tuổi, ở làng Kà Xim, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) cũng đã về nhà mới từ “vốn vay 28” gần hai tháng. Cái Tết đầu tiên trong nhà mới chưa quá đầy đủ về vật chất nhưng giàu ý nghĩa tinh thần. Anh bảo: “Tết này, ngoài khung nhà mới, đồ đạc trong nhà chưa có gì cả. Nhưng mà vài ngày nữa, mình sẽ đi mua một chậu hoa nhỏ để trước nhà cho có không khí tươi vui, ra dáng Tết. Rồi chụp một cái hình cả gia đình 4 người trong nhà mới để lưu lại kỷ niệm đáng nhớ này”.
Chị Đinh Thị Thúy (29 tuổi, ở thôn 2, xã An Hưng, huyện An Lão) từng vay vốn hộ nghèo từ Ngân hàng CSXH để phát triển rừng trồng keo, làm nhà vệ sinh. Khi được phổ biến thông tin về chương trình vay Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, chị mạnh dạn đăng ký vay 40 triệu đồng để làm nhà ở, thay thế cho ngôi nhà đã cũ. Chị nói: “Từng thụ hưởng các chương trình vay của Ngân hàng CSXH nên tôi rất tin tưởng chính sách vay ưu đãi của Nhà nước. Các chương trình vay có lãi suất thấp, thời hạn vay kéo dài để hộ đồng bào dân tộc thiểu số như tôi kịp tích góp, trả nợ đúng hạn”.
Ông Đinh Văn Chê, Chủ tịch UBND xã An Hưng (huyện An Lão), thông tin thêm: Hộ nghèo trên địa bàn xã chưa có nhà ở kiên cố còn nhiều. Nhân dân có nguyện vọng xây dựng lại nhà nhưng còn thiếu vốn. Số tiền 40 triệu đồng cho mỗi hộ xây dựng lại nhà ở từ chương trình vay Nghị định 28/2022/NĐ-CP có ý nghĩa với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Thời hạn cho vay kéo dài 15 năm và trong 5 năm đầu, khách hàng chưa phải trả nợ gốc… Đây là những ưu đãi lớn giúp bà con ổn định chỗ ở, tập trung phát triển sản xuất.
Nguồn Báo Bình Định