Những ngày qua, số ca mắc cúm mùa nhập viện đang gia tăng, trong đó có nhiều trường hợp được chẩn đoán mắc cúm B. Bệnh nhân cúm B thường bị sốt cao từ 38 - 40oC, kèm một số triệu chứng thường gặp như: Đau rát cổ, ho, sổ mũi, viêm họng. Khi sốt cao, nếu người bệnh không uống hạ sốt thì sẽ nhức mỏi cơ thể, ớn lạnh, mệt mỏi, đau bụng. Tùy thể trạng bệnh nhân có thể sốt kéo dài đến 5 ngày. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ bị ho, đau mỏi cơ, đổ mồ hôi kéo dài vài ngày hoặc vài tuần. Một số bệnh nhân còn ho, mệt mỏi kéo dài đến 2 tuần hoặc lâu hơn.
Ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh khi mắc cúm sẽ có biểu hiện khó thở, thở gấp, bỏ ăn, ngủ nhiều, da xanh tái, sốt kèm phát ban hoặc sốt cao trên 38,5oC kéo dài, nôn mửa nhiều… Ở người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, người bị suy giảm miễn dịch… khi mắc cúm B cũng có thể xảy ra biến chứng nặng nếu không được điều trị kịp thời.
Cũng giống như các loại cúm vi rút, cúm B chưa có thuốc đặc trị mà chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng, như hạ sốt, giảm ho... đồng thời kết hợp nâng cao thể lực, tăng sức đề kháng cơ thể. Bên cạnh đó, người bệnh nên nghỉ ngơi trong phòng có không gian thoáng, môi trường đảm bảo sạch sẽ. Đồng thời, bổ sung các loại thực phẩm có chứa thảo dược, khoáng chất, vitamin giúp tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch, loại bỏ các mầm mống gây bệnh và ngăn ngừa biến chứng do vi rút.
Phòng bệnh nên tiêm vắc xin ngừa cúm để tạo ra kháng thể bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của vi rút cúm. Vắc xin cúm có thể kết hợp từ 3 - 4 chủng vi rút cúm, phòng các loại vi rút khác nhau rất hữu hiệu trong việc phòng ngừa cùng lúc các chủng cúm.
Nguồn Báo Bình Định