CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
Tín dụng chính sách hỗ trợ đắc lực chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới
Thứ hai 31/10/2022 09:20

Qua 20 năm (2002 - 2022) triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hỗ trợ đắc lực trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội.

Tín dụng chính sách xã hội trở thành công cụ hữu hiệu giảm nghèo bền vững (Ảnh minh họa)

Trong những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Nhờ đó, nguồn vốn chính sách trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng trong thời gian qua. Tính đến ngày 31/8/2022, nguồn vốn ngân sách của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố ủy thác sang ngân hàng chính sách xã hội đạt 476,7 tỷ đồng, tăng 463,4 tỷ đồng so với năm 2002, chiếm tỷ trọng 9% tổng nguồn vốn chính sách; nguồn vốn huy động từ thị trường đạt 736 tỷ đồng, tăng 736 tỷ đồng so với năm 2002, chiếm tỷ trọng 14% tổng nguồn vốn chính sách. Cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, nâng tổng nguồn vốn chính sách trên địa bàn tỉnh đến ngày 31/8/2022 đạt 5.297 tỷ đồng, tăng 5.192 tỷ đồng so với năm 2002, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 25%, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, phục vụ tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội mà tỉnh đang triển khai.

Từ 3 chương trình tín dụng chính sách xã hội ban đầu (tín dụng hộ nghèo; tín dụng giải quyết việc làm; tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn), đến nay, toàn tỉnh đang triển khai cho vay 17 chương trình tín dụng chính sách xã hội. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 159/159 xã, phường, thị trấn, 100% thôn, làng, khu phố trên địa bàn tỉnh, với doanh số cho vay đạt 16.097 tỷ đồng, gần 726 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đến ngày 31/8/2022 đạt 5.289 tỷ đồng, với hơn 98.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, tăng 5.209 tỷ đồng so với năm 2002, gấp 66 lần dư nợ so với thời điểm năm 2002.

Cùng với đó, tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ đắc lực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 31/8/2022, tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho 285 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn, với số tiền đạt 7.317 tỷ đồng, hơn 30.000 lượt hộ dân tộc thiểu số được vay vốn, với số tiền đạt 918 tỷ đồng. Tín dụng chính sách xã hội đã trở thành nguồn vốn quan trọng với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng,… Nhờ đó, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh trong những năm qua; đặc biệt giai đoạn 2016 - 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm ấn tượng từ 13,35% còn 3,13%.

Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tín dụng chính sách xã hội là nguồn lực quan trọng giúp cho các địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tính đến ngày 31/8/2022, doanh số cho vay các xã xây dựng nông thôn mới đạt 8.356 tỷ đồng, với hơn 280 nghìn lượt hộ vay vốn, tổng dư nợ các xã xây dựng nông thôn mới đạt 3.935 tỷ đồng, với hơn 75.000 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân đạt 34,8 tỷ đồng/xã nông thôn mới. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần nâng số lượng các đơn vị cấp xã, cấp huyện trên địa tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới qua các năm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 05/11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tổng số xã công nhận nông thôn mới đến cuối năm 2021 là 83/113 xã, đạt tỷ lệ 73,45%, trong đó có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao… 

Qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, từ nguồn vốn của tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã giúp cho 116 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút và tạo việc làm cho gần 81.000 lao động, hỗ trợ hơn 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tạo điều kiện cho hơn 107 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 202 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 6.000 căn nhà ở cho hộ nghèo; gần 47.000 hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng 808 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ…

Điều đó có thể khẳng định, vốn tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành công cụ hữu hiệu góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Thanh Sang