Thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa là cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển. Mùa này, trẻ em hay mắc các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa, đặc biệt là sốt xuất huyết.
Theo báo cáo của Sở Y tế, đến cuối tháng 9.2022, toàn tỉnh ghi nhận 2.491 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng tới 1.656 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021; không có ca tử vong. Với các trường hợp mắc sốt xuất huyết, trẻ em có nguy cơ nặng hơn vì có khả năng sốc và tái sốc cao hơn so với người lớn.
Nhiều trẻ nhập viện do sốt xuất huyết nặng
Ghi nhận tại Khoa Nhi, BVĐK tỉnh, nơi tiếp nhận những bệnh nhi nặng của tỉnh và một số địa phương lân cận, hằng ngày có tới 20 trẻ điều trị nội trú vì sốt xuất huyết, có nhiều trẻ bị sốt xuất huyết nặng.
Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng Khoa Nhi, cho biết: Đây cũng là mùa cao điểm của sốt xuất huyết. Nhiều ca vào viện khi đã nghiêm trọng, sốc nặng, tổn thương gan, tim. Với những ca như thế, chúng tôi phải khẩn trương xử trí, hồi sức cấp cứu kịp thời.
Trẻ mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại Khoa Nhi, BVĐK tỉnh. Ảnh: Đ. THẢO
Có con đang điều trị sốt xuất huyết tại Khoa Nhi, chị T.N.B (TP Quy Nhơn), chia sẻ: Cháu sốt 2 ngày thì lên mẩn đỏ, tôi vội vàng cho cháu đi khám thì các bác sĩ cho nhập viện. Lẽ ra tôi nên đưa cháu đi khám ngay khi phát hiện sốt. Ở viện, các bác sĩ thường xuyên theo dõi, hướng dẫn cách cho cháu uống nước, theo dõi nước tiểu và hướng dẫn cho cháu ăn cháo, ăn những món mềm dễ nuốt.
Mệt mỏi nằm gục bên giường bệnh của con, chị Đ.T.H (tỉnh Gia Lai), chia sẻ: Vì cháu bị nặng nên phải chuyển xuống đây để được điều trị kịp thời. Ban đầu cháu bị sốt nhưng tôi nghĩ cháu bị sốt thông thường nên tự cho uống thuốc, sau cháu có biểu hiện nặng hơn nên tôi đưa cháu đi cấp cứu.
Vì trẻ em dễ bị chuyển nặng nên khi tiếp nhận bệnh nhi sốt xuất huyết, bác sĩ các cơ sở y tế tuyến dưới cũng phải theo dõi sát để có cách xử trí kịp thời. Bác sĩ Cao Trọng Nghĩa, Khoa Truyền nhiễm, TTYT TX An Nhơn, cho biết: Đối với bệnh nhân sốt xuất huyết, đặc biệt là bệnh nhi, chúng tôi theo dõi thường xuyên, nếu có dấu hiệu cảnh báo chúng tôi chuyển lên tuyến trên ngay để bệnh nhân được theo dõi, điều trị phù hợp.
Ông Đinh Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: Để phòng, chống sốt xuất huyết, huyện đã chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp phòng dịch như dọn vệ sinh, phun thuốc diệt muỗi ở những địa bàn có ổ dịch, ra quân tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức phòng bệnh.
Phòng bệnh ngay từ đầu
Tại Khoa Nhi, BVĐK tỉnh, hằng ngày có khoảng 160 bệnh nhân nội trú với số giường bệnh kế hoạch là100, giường bệnh thực kê là 145 giường. Do vậy, có một số bệnh nhân phải nằm ghép.
Theo bác sĩ Phạm Văn Dũng, đối với bệnh sốt xuất huyết, phụ huynh không nên chủ quan mà phải phòng bệnh ngay từ đầu. Muốn chống sốt xuất huyết thì không để lăng quăng phát triển, dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm, không để ao tù nước đọng, đặc biệt là trong các lọ cắm hoa, vỏ lốp xe, chén bát vỡ… Đồng thời phải ngừa muỗi đốt. Ngoài việc cho trẻ nằm ngủ trong màn, cần lưu ý lúc chạng vạng tối và sáng sớm là hai thời điểm muỗi hay đốt gây sốt xuất huyết, cần phòng ngừa. Khi trẻ có dấu hiệu bệnh nên đưa đi khám. Trẻ bị sốt xuất huyết không nên ăn thức ăn màu tím, màu đỏ vì khi đi tiêu, phân có màu nhầm với máu, rất khó theo dõi. Đặc biệt không tự ý cho trẻ uống thuốc hạ sốt dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, khi sốt chỉ nên dùng Paracetamol đơn chất.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế, để việc phòng, chống sốt xuất huyết đạt kết quả tốt, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, TTYT các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh việc diệt bọ gậy, điều tra, truy vết, phun thuốc diệt muỗi, các cơ sở y tế còn theo dõi tình hình bệnh nhân, điều trị, chuyển tuyến kịp thời. Cùng với đó, ngành Y tế cũng tiếp tục thực hiện công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe về phòng chống sốt xuất huyết Dengue.
ĐỖ THẢO - Nguồn Báo Bình Định