CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh: 70 năm gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống
Thứ tư 07/09/2022 16:50

Trải qua 70 năm với biết bao thăng trầm, các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, nhân viên Ðoàn tuồng Liên khu 5 (nay là Ðoàn tuồng Ðào Tấn) và Ðoàn văn công giải phóng (nay là Ðoàn ca kịch bài chòi Bình Ðịnh) - tiền thân của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh - đã miệt mài tiếp nối nhau gìn giữ và phát huy nghệ thuật tuồng, bài chòi.

Ký ức còn mãi

Sau khi có Chỉ thị của Trung ương Đảng về vấn đề “phục hồi vốn cổ dân tộc”, tháng 4.1952, Thường vụ Khu ủy khu 5 quyết định thành lập Đoàn tuồng Liên khu 5. Sau đêm diễn đầu tiên tại Hà Đông (một địa phương thuộc huyện Hoài Ân) với vở tuồng Tam nữ đồ vương, được khán giả hoan nghênh, Đoàn tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động, tập hợp thêm nhiều nghệ sĩ tài danh của các tỉnh khu 5, như: Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Văn Phước Khôi, Tống Phước Phổ, Phạm Chương, Trương Thị Minh Đức, Đinh Quả, Phạm Hữu Thành, Đỗ Ngọc Liên, Võ Sĩ Thừa, Văn Bá Anh, Dương Long Căn… biểu diễn phục vụ nhiệm vụ tuyên truyên, cổ vũ tinh thần nhân dân chống Pháp. Năm 1954, các nghệ sĩ của Đoàn tuồng Liên khu 5 tập kết ra Bắc, tiếp tục hoạt động suốt hơn 21 năm ở miền Bắc. 

Nhiều NSND, NSƯT nguyên là diễn viên Đoàn tuồng Liên khu 5, Nhà hát tuồng Đào Tấn cùng dàn dựng, biểu diễn vở tuồng Nghêu Sò Ốc Hến nhân kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam 12.8 (âm lịch). Ảnh: NGỌC NHUẬN

Sau năm 1975, các nghệ sĩ Đoàn tuồng Liên khu 5 trở lại Bình Định, kết hợp với một số nghệ sĩ từ chiến khu trở về và Đội tuồng Đồng Ấu do nghệ sĩ Tư Cá đào tạo tại chỗ, cùng lớp Trung cấp tuồng được đào tạo ở miền Bắc vào thực tập, cùng nhau lập nên Đoàn tuồng Nghĩa Bình (sau nâng cấp thành Nhà hát tuồng Nghĩa Bình) để mở rộng tầm hoạt động, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Nhớ lại những năm tháng không bao giờ quên, NSƯT Đào Duy Kiền - nguyên nhạc công Đoàn tuồng Liên khu 5, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn - bồi hồi chia sẻ: Những năm tháng biểu diễn phục vụ hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc là ký ức đầy tự hào của các thế hệ nghệ sĩ tuồng Khu 5 nói chung, Bình Định nói riêng. Năm 1989, tỉnh Nghĩa Bình tách thành hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, Nhà hát tuồng Nghĩa Bình cũng đổi tên thành Nhà hát tuồng Đào Tấn. Các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Đào Tấn đã không ngừng nỗ lực đào tạo lớp nghệ sĩ kế cận, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị di sản tuồng độc đáo các bậc tiền nhân để lại.

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, giữa tháng 3.1962, Tỉnh ủy Bình Định quyết định thành lập Đội văn nghệ tuyên truyền Bình Định với 14 thành viên. Đến tháng 10.1962, Đội được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đổi tên thành Đoàn văn công giải phóng Bình Định để biểu diễn phục vụ nhiệm vụ dân vận, động viên tinh thần quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Sau năm 1975, hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi tiến hành hợp nhất. Đoàn văn công giải phóng tỉnh Bình Định và Đoàn văn công giải phóng tỉnh Quảng Ngãi cũng được hợp nhất thành Đoàn văn công giải phóng Nghĩa Bình. Nhiều nghệ sĩ nòng cốt của Đoàn, như: Hoàng Lê, Trần Chức, Nguyễn Thành Sung, Nguyễn Kiểm, Nguyễn Cung Nghinh, Nguyễn Phu, Hoàng Thu An, Nguyễn An Pha… nỗ lực xây dựng các kịch mục biểu diễn phục vụ nhân dân khắp nơi. Sau khi tỉnh Nghĩa Bình chia tách, Đoàn ca kịch Nghĩa Bình đổi tên thành Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, từng bước kế thừa, phát triển nghệ thuật bài chòi.

Các thế hệ nghệ sĩ của Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định tự hào khi nhắc lại lịch sử thành lập Đoàn. NSƯT Nguyễn Thành Nam, diễn viên Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, tâm tình: “Kế thừa truyền thống xây dựng và phát triển của Đoàn, chúng tôi là các thế hệ nghệ sĩ đi trước, cũng như thế hệ nghệ sĩ trẻ đang nối nghề đã cùng nhau “giữ lửa” nghệ thuật sân khấu ca kịch bài chòi, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. 

Để làn điệu tuồng, bài chòi mãi ngân vang

Cuối năm 2019, UBND tỉnh ra Quyết định số 5047/QĐ - UBND hợp nhất Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định thành Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định, chính thức hoạt động từ ngày 1.4.2020. Cùng với đó, tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhà hát với hai khán phòng 144 ghế ngồi và 55 ghế ngồi, hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại để các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công tập luyện, biểu diễn các chương trình nghệ thuật.

Ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, cho biết: Những năm gần đây, Nhà hát chủ động khai thác, phục hồi, nâng cao nhiều vở tuồng, bài chòi tiêu biểu phục vụ nhân dân. Ngoài ra, chúng tôi cũng dàn dựng nhiều tiết mục phù hợp, như: Múa Trình tường, múa Chăm, hò đối đáp, độc tấu nhạc cụ dân tộc… biểu diễn phục vụ tại các hội nghị, hội thảo tổ chức tại tỉnh hoặc phục vụ yêu cầu của du khách - đây là bước khởi đầu cho việc hướng tới xây dựng các chương trình biểu diễn tuồng, bài chòi phục vụ du khách, góp phần quảng bá nghệ thuật tuồng, bài chòi độc đáo của Bình Định đến với công chúng.

Những nỗ lực của các thế hệ nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh trong việc giữ gìn, bảo tồn nghệ thuật tuồng, bài chòi thật đáng mừng. Nhưng băn khoăn lớn nhất hiện nay, đó là việc tìm kiếm lực lượng diễn viên trẻ nối nghề. Về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: Chúng tôi cũng hiểu được những thách thức mà Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh gặp phải. Làm cách nào để nghệ thuật tuồng, bài chòi Bình Định được bảo tồn, phát huy, nhất là tìm được lớp kế cận để giữ nghề không chỉ là nỗi niềm của các nghệ sĩ Nhà hát, mà còn là trăn trở của chúng tôi - những người làm trong ngành văn hóa. Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án tổng thể về đào tạo, truyền nghề giữa thế hệ nghệ sĩ, nhạc công, diễn viên lớp trước cho thế hệ hiện tại; đồng thời, ban hành các chế độ đãi ngộ để “giữ chân” thế hệ diễn viên trẻ của Nhà hát yên tâm công tác; đặc biệt, có chính sách đặc thù để tuyển diễn viên, nhạc công trẻ theo nghề tuồng, bài chòi…

Nguồn Báo Bình Định