Liên hoan CLB Nghệ thuật bài chòi dân gian tỉnh Bình Định mở rộng năm 2022 sẽ chính thức khai mạc vào tối nay (30.8) tại khuôn viên Trung tâm Hội nghị tỉnh (số 01, đường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn). Liên hoan được tổ chức nhằm tạo lan tỏa sâu rộng giá trị di sản bài chòi dân gian Trung bộ nói chung, Bình Định nói riêng.
Theo ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT, lần đầu tiên tỉnh Bình Định tổ chức một ngày hội bài chòi dân gian quy mô lớn, nhằm tạo cơ hội để nghệ nhân, diễn viên gặp gỡ, giao lưu; đại diện các cơ quan quản lý trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản bài chòi dân gian. Liên hoan lần này có hơn 250 nghệ nhân của 8/11 CLB Bài chòi dân gian trong tỉnh, gồm: Quy Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và một số CLB đến từ 5 tỉnh, thành khu vực miền Trung, gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa.
Giao lưu các CLB bài chòi về dự Liên hoan tại Hội đánh bài chòi dân gian TP Quy Nhơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Những ngày qua, tại nhà của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Minh Toàn (nghệ danh Minh Lưỡng) ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn - Chủ nhiệm CLB Bài chòi dân gian TX An Nhơn - rộn ràng tiếng hô hát của các nghệ nhân đang tập luyện. Nghệ nhân ưu tú Minh Lưỡng thổ lộ: “Được thị xã chọn tham gia một ngày hội bài chòi lớn như vậy, chúng tôi rất vui và tự hào. Mặc dù ai cũng bận việc, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng gặp nhau để cùng tập luyện, nhằm cống hiến cho khán giả những màn trình diễn đặc sắc, quảng bá nét độc đáo của bài chòi dân gian Bình Định”.
Tham gia Liên hoan, các đoàn đều hướng tới sự sáng tạo, thể hiện sự tươi mới, nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của nghệ thuật bài chòi dân gian theo yêu cầu của Ban tổ chức. Ông Hồ Khắc Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TX Hoài Nhơn, cho biết: “Thị xã tuyển ra 9 nghệ nhân, nhạc công từ 17 CLB Bài chòi ở các phường, xã để tham gia Liên hoan. Chúng tôi xác định mục đích chính là quảng bá nghệ thuật bài chòi dân gian, nên tập trung sáng tác thêm nhiều câu thai mới nói về sự phát triển của quê hương Hoài Nhơn, Bình Định; tập mới lời mời, lời chúc để trình diễn trong Hội bài chòi nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của công chúng”.
CLB Bài chòi TX An Nhơn tích cực tập luyện tham gia Liên hoan. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Các đoàn nghệ nhân ngoài tỉnh cũng nhiệt tình tham gia, chuẩn bị kỹ lưỡng để mang tới những màn trình diễn hấp dẫn, đồng thời cùng nhau nuôi ước vọng về sự phát triển, lưu truyền của bộ môn nghệ thuật này.
Bà Võ Thị Thanh Vân, Phó trưởng Phòng Quản lý Văn hóa, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam), bày tỏ: “Ở Quảng Nam, bài chòi dân gian thấm sâu vào đời sống tinh thần của người dân và là sản phẩm du lịch. Các nghệ nhân giữ gìn, lưu truyền di sản bài chòi đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đưa nghệ thuật bài chòi dân gian lan tỏa vào đời sống xã hội. Vì vậy, chúng tôi mong rằng không những bài chòi ở xứ Quảng, mà kể cả các tỉnh bạn có chung di sản bài chòi, với sự quan tâm của toàn cộng đồng, bài chòi sẽ được bảo tồn, phát huy ngày càng tốt hơn”.
Ông Lê Trung Hiền, Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh tỉnh Phú Yên, chia sẻ: “Khi nhận được kế hoạch tổ chức Liên hoan của tỉnh Bình Định, lãnh đạo tỉnh, cũng như Sở VH-TT&DL rất quan tâm chỉ đạo tập luyện tham gia. Tất cả các thành viên của đoàn nghệ nhân Phú Yên ai cũng phấn khởi vì được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các đoàn bạn; giới thiệu nét độc đáo, bản sắc của nghệ thuật bài chòi Phú Yên đến các tỉnh bạn”.
Nhiều ngày qua, ngành Văn hóa đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan và TP Quy Nhơn tổ chức các hoạt động Liên hoan diễn ra từ ngày 30.8 - 1.9 đảm bảo hiệu quả, thành công. Ông Huỳnh Văn Lợi cho biết: Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ kịch bản, cơ cở vật chất cho các hoạt động trong khuôn khổ Liên hoan, như: Chương trình tọa đàm, Hội thi trình diễn hội bài chòi dân gian giữa các CLB tham gia Liên hoan; phối hợp TP Quy Nhơn tổ chức tham quan, giao lưu Hội đánh bài chòi dân gian TP Quy Nhơn; phối hợp Sở Du lịch bố trí nơi ở cho các đoàn nghệ nhân chu đáo…
ĐOÀN NGỌC NHUẬN - Nguồn Báo Bình Định