Trong ngày đầu (16.6) diễn ra Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XVI - năm 2022, đông đảo người xem đã được thưởng thức những làn điệu dân ca, nhạc cụ, diễn tấu cồng chiêng độc đáo và mang đậm bản sắc riêng của từng dân tộc.
Mở màn Ngày hội là chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng của 6 đoàn đến từ các huyện: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân. Cả người diễn và người xem cùng đắm mình trong những dòng văn hóa; những sắc màu - giai điệu - tiết tấu đã tái hiện đời sống lao động, văn hóa, nghệ thuật, tình đoàn kết các dân tộc. Đây không chỉ là dịp để các nghệ nhân, diễn viên trình diễn, giao lưu các giá trị văn hóa truyền thống mà còn là dịp để cộng đồng các dân tộc thiểu số có thêm cơ hội kết nối và thấu hiểu nhau.
Đậm đà bản sắc
Tiết mục khai hội - tốp ca nam, nữ Đảng trong lòng dân do các nghệ nhân, diễn viên đến từ đoàn Vân Canh biểu diễn cuốn hút cho người xem với những câu dân ca Chăm H’roi rộn ràng mời gọi: “Làng Chăm ta đây, làng Chăm hôm nay, bao lớp lớp người đi theo Đảng, Đảng trong trái tim ta, Đảng cho ta cuộc sống ấm no, dạy con Chăm học hành, Đảng sáng soi như ánh mặt trời, tia nắng ấm…”. Màn song tấu trống đôi kơ-toang của đôi diễn viên Văn Mỗn - Văn Định như níu chân người ở lại với phong cách biểu diễn đầy chất tự sự, ngẫu hứng…
Màn song tấu trống đôi kơ-toang của đoàn Vân Canh trong phần thi biểu diễn nghệ thuật quần chúng. Ảnh: TRỌNG LỢI
Chương trình của đoàn An Lão ghi dấu ở tiết mục hội làng Mừng ngày hội quê ta, với sự hòa âm của 3 loại nhạc cụ truyền thống của người H’re. Đó là âm thanh chắc khỏe của bộ ba chinh tuk; giai điệu mượt mà, dịu dàng của bộ chinh tiaq và cả âm thanh khỏe khoắn, trầm vang của bộ goang… Hình ảnh già làng H’re bên ché rượu cần, cây nêu mỗi dịp làng vào hội, cùng hình ảnh các chàng trai, cô gái H’re với trang phục truyền thống bay bổng trong điệu múa xoang duyên dáng, trẻ trung, sinh động đã đem đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, gửi thông điệp tình thân ái của đồng dân tộc H’rê đến với đồng bào các dân tộc anh em khi về tham gia Ngày hội lần này.
Ngoài ra, ca khúc Chiều về bên dòng sông Đinh do tam ca nữ Y Diễm - Kiều Diễm - Thị Linh trình bày, dựa trên làn điệu dân ca, phần đệm của dàn nhạc cụ chinh tuk và goang của người H’re, được thể hiện bằng tiếng H’re và tiếng Việt, tạo cho người xem ấn tượng nhẹ nhàng, thân quen…
Với thông điệp “Hãy gìn giữ và bảo tồn bản sắc độc đáo của dân tộc mình”, các nghệ nhân, diễn viên đoàn Tây Sơn gửi đến người xem qua 3 tiết mục biểu diễn, gồm: Dân vũ Đi theo con suối; độc tấu chiêng Hồn thiêng núi rừng do diễn viên Đinh Ngắt biểu diễn; vũ hội hóa trang, với những điệu xoang uyển chuyển mềm mại, tôn vinh vẻ đẹp của những bông hoa núi rừng.
Chương trình của các đoàn Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Phù Cát cũng đã giới thiệu, tôn vinh những làn điệu dân ca, nhạc cụ đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương.
Đa sắc màu văn hóa
Đến với Ngày hội, người xem được tìm hiểu, tham quan các trại trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống các dân tộc. Nhờ vậy, khách dự hội sẽ dễ dàng cảm nhận được cuộc sống bình dị, chan hòa tình người của bà con nơi đây.
Không gian văn hóa truyền thống qua hội trại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định lần thứ XVI - năm 2022. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Chẳng hạn, đến trại của cộng đồng dân tộc Bana ở huyện Tây Sơn, mọi người như hiểu hơn về nét kiến trúc độc đáo của nhà rông, như: Nhà rông có kết cấu 8 cột chính; vách, mái nhà dùng vật liệu tranh, tre, mò o, gỗ kiền kiền liên kết với nhau bằng dây mây và kỹ thuật ghép mộng. Cửa chính được làm rộng hơn, thể hiện sức mạnh đoàn kết. Hai bên vách nhà có hai cửa quay về hướng Đông, Tây để đón ánh mặt trời. Trong nhà và trước trại có cây nêu để thực hiện các nghi thức lễ tế, tín ngưỡng truyền thống...
“Nhà rông của đồng bào Bana không chỉ là nơi sinh hoạt của dân làng, còn là nơi tránh thiên tai, thú dữ, bảo vệ sự sống của các thành viên trong làng. Nhà rông còn là bộ mặt, niềm tin, không gian linh thiêng, nơi thể hiện sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Tinh thần đó được chúng tôi gửi gắm vào Ngày hội năm nay”, ông Phạm Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Tây Sơn, chia sẻ.
So với đồng bào Bana, đồng bào Chăm H’roi làm nhà rông đơn giản hơn, nhà có 8 cột chính, vách nhà bằng vỏ cây, chỉ có một cửa chính và ba cửa sổ nhỏ xung quanh để đón gió, ánh sáng. Ông Lê Hùng Cường, ở khu phố Đắk Đưm, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), bày tỏ: “Khách đến tham quan còn được thấy nhiều đạo cụ, nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm H’roi, như: Chiêng, trống kơ-toang, đàn goong, và các dụng cụ sinh hoạt, sản xuất được trưng bày bên trong nhà rông”.
Trong không gian hội trại đa sắc màu, các đoàn đã giới thiệu, quảng bá các nét đặc trưng văn hóa đến khách tham quan, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Nguồn Báo Bình Định