Nhận thức tầm quan trọng và tác động từ chuyển đổi số, các sở, ngành của tỉnh đã chủ động triển khai nhiều phần việc dựa trên vai trò, nhiệm vụ được giao.
Niềm vui ban đầu
Ngành Y tế là một trong những ngành sớm thực hiện chuyển đổi số (CĐS). Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Đến nay, các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đã áp dụng phần mềm quản lý hoạt động tiêm chủng mở rộng. Các bệnh viện, TTYT đã kết nối liên thông từ tuyến xã đến tuyến tỉnh, phục vụ cho việc tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới chẩn đoán bệnh, tư vấn qua mạng với những trường hợp bệnh phức tạp. Một số đơn vị còn triển khai hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, phần mềm chuyển tải dữ liệu hình ảnh, phần mềm nhận và trả kết quả xét nghiệm; việc in phim khô sau chụp X - Quang cũng đã được thay thế bằng hình ảnh số để dễ dàng lưu thông trên môi trường internet. CĐS đã xuất hiện từ khoa khám đến cả hoạt động quản lý bệnh nhân. Thông tin về xét nghiệm, chỉ định điều trị, phẫu thuật của bệnh nhân được số hóa, lưu trữ một cách khoa học, lưu trữ cả thông tin những lần khám, chữa bệnh trước đó, giúp bác sĩ dễ quản lý, theo dõi, chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân. Các cơ sở y tế trong tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử, giúp việc thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bằng BHYT của bệnh nhân trở nên thuận tiện...
Ngành Y tế ứng dụng phần mềm trong quản lý hoạt động tiêm chủng. Ảnh: T.LỢI
Cuối năm 2021, Sở Du lịch đã ra mắt app “Du lịch Quy Nhơn - Bình Định” có nhiều thông tin, tính năng, giới thiệu về cơ sở lưu trú, điểm mua sắm, nhà hàng ẩm thực, khu du lịch, vui chơi, giải trí,… giúp du khách thuận lợi khi tìm hiểu thông tin, du lịch tại Quy Nhơn - Bình Định. Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch, cho biết: “Vừa qua, Tổng cục Du lịch đã chấp thuận đưa Bình Định vào danh sách các tỉnh, thành triển khai thí điểm CĐS, với kinh phí hỗ trợ từ 1 - 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở còn chuẩn bị xây dựng các cơ sở dữ liệu để quản lý các cơ sở lưu trú, điểm đến, nhà hàng ăn uống… trên địa bàn tỉnh”.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, CĐS đã giúp nhiều cơ sở giáo dục trong tỉnh duy trì việc dạy và học. Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT, chia sẻ: Thời gian này, Sở đã phổ cập dạy học trực tuyến bằng việc hướng dẫn các trường lựa chọn các phần mềm phù hợp, tập huấn kỹ năng soạn bài, giảng bài phù hợp với môi trường trực tuyến. Hiện nay, ngành đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và các nền tảng số để đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, bồi dưỡng, tập huấn, kiểm tra - đánh giá. Tập trung CĐS trong công tác quản lý, hoàn thiện hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và một cửa điện tử, thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4, xây dựng nền quản trị giáo dục thông minh. Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị công nghệ thông tin cho các trường ở vùng khó khăn hoặc chưa có thiết bị kết nối. Phát triển dữ liệu, hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT tỉnh về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên…
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách
Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, đánh giá: Bước đầu việc triển khai CĐS trên địa bàn tỉnh đã đem lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là về cơ chế, chính sách để thực hiện. Kế hoạch CĐS chưa ban hành kịp thời, dẫn đến các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu còn lúng túng trong việc triển khai. Hạ tầng số được đầu tư từ nhiều nguồn lực, song nhìn chung còn thiếu đồng bộ. Nguồn lực CĐS, trong đó có nguồn lực con người (về đào tạo, bồi dưỡng) và cả kinh phí phục vụ CĐS chưa được quan tâm đúng mức…
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần chọn một số lĩnh vực trọng tâm, phục vụ đắc lực việc phát triển KT-XH của tỉnh để triển khai CĐS; trong đó, ưu tiên lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, công thương, kế hoạch đầu tư… Phấn đấu đến năm 2025, Bình Định nằm trong top 10 toàn quốc về chỉ số chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Để hoàn thành mục tiêu này, việc tập trung phát triển nguồn lực, trong đó tính toán, xây dựng cơ chế, chính sách riêng về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia… để thực hiện CĐS. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng DN, người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của CĐS là rất quan trọng.
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho hay: Ngoài phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, Sở đã xây dựng kế hoạch triển khai CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 90% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); tối thiểu 50% sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được chứng nhận thương hiệu có mặt trên các sàn thương mại điện tử; 50% các DN nhỏ và vừa hoạt động trên lĩnh vực công thương thực hiện CĐS…
TRỌNG LỢI - Nguồn Báo Bình Định