Sau thời gian triển khai bệnh án điện tử, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc, phục vụ bệnh nhân tại BVÐK tỉnh ngày càng được nâng cao; đồng thời qua đó rút ngắn thời gian làm thủ tục khám chữa bệnh, tạo được nhiều tiện ích cho bệnh nhân lẫn nhân viên y tế.
BVĐK tỉnh là bệnh viện hạng 1, là tuyến điều trị cao nhất của tỉnh với 1.140 giường kế hoạch, thực kê 1.488 giường, gồm 44 khoa phòng, 26 khoa lâm sàng, 9 khoa cận lâm sàng, 9 phòng chức năng. Thực hiện Thông tư 46/2018 của Bộ Y tế về ban hành quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, ngày 1.10.2020 Bệnh viện chính thức chạy phần mềm HIS (hệ thống quản lý bệnh viện), phần mềm LIS (phần mềm cận lâm sàng) của Viettel, đồng thời bước đầu triển khai bệnh án số nhằm tiến tới thực hiện bệnh án điện tử. Bên cạnh đó, Bệnh viện triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh bằng phần mềm PACS. Đây là phần mềm kết nối và chuyển tải hình ảnh của các khâu cận lâm sàng lớn như là CT, MRI, X-quang…
Nhờ bệnh án điện tử, quy trình khám chữa bệnh được rút ngắn. Ảnh: Đ. THẢO
Đến khám chữa bệnh tại BVĐK tỉnh, chị Nguyễn Thanh Huệ, ở TP Quy Nhơn, cho biết: Trước đây tôi đọc nội dung đơn thuốc, chẩn đoán bệnh rất khó. Bây giờ mọi thứ đều rõ ràng, ai cũng có thể đọc được thông tin về bệnh trạng, chỉ định dùng thuốc. Bên cạnh đó, quy trình khám chữa bệnh cũng nhanh chóng, gọn gàng hơn.
TS.BS Võ Bảo Dũng, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, cho biết: Bệnh viện đã liên thông phần mềm HIS và PACS nên việc trả kết quả, sử dụng kết quả chuẩn đoán hình ảnh của các khoa lâm sàng được thực hiện thông suốt. Nhờ ứng dụng số hóa hồ sơ, mọi dữ liệu dễ dàng liên thông, tất cả thông tin về bệnh nhân và quá trình điều trị hiển thị rõ ràng tại bệnh án. Nhờ vậy, bệnh án rất sạch, rõ ràng nên không còn định kiến
“chữ xấu như chữ bác sĩ”. Điều này tạo tiền đề, cơ sở thuận lợi để tiến tới triển khai bệnh án điện tử toàn diện khi hạ tầng, phần cứng được đảm bảo.
Theo TS.BS Võ Bảo Dũng, bệnh án điện tử có nhiều ưu việt so với bệnh án giấy, đó là: In rõ ràng, không nhầm lẫn y lệnh, việc trích xuất hồ sơ bệnh án, trích xuất thông tin trên hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân, cho các báo cáo, cho nghiên cứu khoa học rất thuận lợi và nhanh chóng. Hơn nữa, Bệnh viện cũng đã từng bước hoàn thiện quy trình khám chữa bệnh chuẩn quy trình thực hiện trên bệnh án điện tử. Chỉ cần chuyển thói quen từ “viết tay” sang thói quen mới là nhập liệu trên máy vi tính, mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Thời gian đầu, buộc ai cũng phải làm quen, chuẩn hóa từng khâu và thực hiện đồng bộ, nhưng đây là xu thế không thể không tham gia, không thể trì hoãn được nữa. BVĐK tỉnh là Bệnh viện hạng 1 nên năm 2023 phải hoàn thành bệnh án điện tử, do vậy chúng tôi cũng đang rất tích cực, cố gắng.
Để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, ngoài hoàn thiện quy trình khám, chữa bệnh, BVĐK tỉnh đã đào tạo đội ngũ nhân lực tốt, chuẩn bị được cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Ngoài hệ thống máy tính sẵn có, trước đó Bệnh viện cũng đã trang bị thêm các thiết bị phần cứng mới ở các khoa phòng, hệ thống máy chủ, phòng điều hành tập trung, hệ thống công nghệ thông tin.
“Hiện nay Bộ Y tế chưa công nhận bệnh viện nào ở tỉnh Bình Định là bệnh viện hoàn thành bệnh án điện tử. Hầu hết các bệnh viện của tỉnh ta đang ở giai đoạn giữa. Bệnh án điện tử nằm trong chương trình số hóa, là xu thế, là điều bắt buộc. Nếu như các bệnh viện muốn tồn tại và muốn phát triển thì phải bắt buộc làm bệnh án điện tử. Chúng tôi sẽ có đề nghị với UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí cho ngành trong việc triển khai bệnh án điện tử, một số các công đoạn, đặc biệt là thành lập trung tâm về dữ liệu điện tử. Tại BVĐK tỉnh chỉ còn chờ phần cơ sở hạ tầng nữa thôi là có thể hoàn thành hồ sơ bệnh án điện tử”. Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG HÙNG |
ĐỖ THẢO - Nguồn Báo Bình Định