CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
Phát huy tốt hơn giá trị các di tích
Thứ ba 22/02/2022 09:33

 Bên cạnh việc đầu tư xây dựng, tôn tạo di tích, tỉnh ta chú trọng xếp hạng, công nhận di tích, góp phần nâng cao tầm quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy tốt hơn giá trị các di tích ở địa phương.

Cuối năm 2021, UBND tỉnh xếp hạng, công nhận thêm 6 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh; trong đó, TX Hoài Nhơn có 5 di tích, gồm: Nơi diễn ra trận ném bom Chợ Đề (phường Hoài Thanh Tây), Di tích Dốc Cát (phường Hoài Hảo), Nhà tù lầu ông Tánh (phường Tam Quan), Địa điểm ra đời của LLVT tỉnh Bình Định (phường Hoài Thanh), Lăng Ông Nam Hải vạn Kim Giao (xã Hoài Hải) và di tích Chiến thắng Đồng Ấu, ở xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn.

Đền thờ Nguyễn Trung Trực được xây dựng từ kinh phí xã hội hóa đã phát huy giá trị trở thành điểm đến du lịch. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, để có được hồ sơ khoa học làm cơ sở xếp hạng các di tích, Bảo tàng tỉnh và các địa phương phải phối hợp khảo sát thực địa, tìm chứng tích, tư liệu, hiện vật… trong thời gian dài. Bởi vậy, khi các di tích được xếp hạng, công nhận, cùng với niềm tự hào của người dân, chính quyền địa phương, việc chung tay bảo vệ, phát huy giá trị di tích cũng thuận lợi hơn.

Với 5 di tích vừa được xếp hạng, đến nay, TX Hoài Nhơn có 21 di tích. Ông Hồ Khắc Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TX Hoài Nhơn, cho biết: Trước mắt, chúng tôi sẽ phối hợp với Bảo tàng tỉnh xây dựng bia, bảng chỉ dẫn đường vào di tích. Về lâu dài, UBND thị xã sẽ phối hợp với Sở VH&TT triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp các di tích để tạo điểm đến giáo dục truyền thống yêu nước gắn với phát triển du lịch.

Tính đến nay, cả tỉnh có 139 di tích được xếp hạng, gồm: 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 34 di tích cấp quốc gia, 103 di tích cấp tỉnh. Trong số này, có 123 di tích lịch sử, văn hóa; 11 di tích kiến trúc nghệ thuật, 3 di tích khảo cổ và 2 di tích danh lam thắng cảnh.

Cùng với nguồn lực của Nhà nước, nhiều di tích tại tỉnh ta được xây dựng, trùng tu, tôn tạo từ kinh phí xã hội hóa, không những “sống” được mà còn trở thành điểm đến thu hút du khách tham quan, như: Di tích lịch sử cấp tỉnh Bãi biển Lộ Diêu - nơi cập bến tàu không số chi viện vũ khí vào Khu V (xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn), Lăng Ông Nam Hải vạn đầm Hưng Lương (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn)...

Ông Dương Văn Hiển, ở thôn Lý Hưng, xã Nhơn Lý - Trưởng vạn đầm Hưng Lương, bộc bạch: “Lăng Ông Nam Hải vạn đầm Hưng Lương được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Bao đời nay, ngư dân địa phương đã chung tay góp của để trùng tu, tôn tạo lăng nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống cùng 6 sắc phong của triều Nguyễn. Đặc biệt, hằng năm từ nguồn kinh phí xã hội hóa do ngư dân đóng góp, chúng tôi tổ chức lễ hội cầu ngư gắn với biểu diễn bả trạo tại Lăng Ông thu hút nhiều du khách đến tìm hiểu nét văn hóa của ngư dân”.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích ở tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ, vẫn còn xảy ra tình trạng xâm phạm di tích; một số di tích lịch sử đã đi vào hoạt động, nhưng chưa phát huy hiệu quả giới thiệu, quảng bá cho du khách đến tham quan…

Để hệ thống di tích phát huy giá trị hơn nữa, Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh, cho biết: Năm nay, UBND tỉnh giao chúng tôi triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm, như xây dựng Đền thờ Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc, công trình Đàn Nam Giao tại khu Di tích thành Hoàng Đế (TX An Nhơn); đảm bảo tiến độ xây dựng Đền thờ Võ Văn Dũng (huyện Tây Sơn); lập đề án quản lý, tổ chức các hoạt động tại Đền thờ Nguyễn Trung Trực (huyện Phù Cát)… Chúng tôi cũng đang tiếp tục hoàn chỉnh quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh để tham mưu UBND tỉnh ban hành nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát huy giá trị di tích.

ĐOÀN NGỌC NHUẬN - Nguồn Báo Bình Định