CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Công nghiệp khởi sắc, nhưng cần những dự án đột phá
Thứ tư 08/05/2024 08:31

Tình hình KT-XH tháng 4 của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực, tuy vậy, để tạo sự đột phá phát triển phải vào cuộc rất quyết liệt, triển khai những dự án trọng điểm, đặc biệt thu hút những dự án đầu tư lớn.

Quang cảnh hội nghị.  Ảnh: M.H

Đây là một trong những vấn đề quan trọng được đặt ra tại Hội nghị đánh giá tình hình KT-XH của tỉnh tháng 4, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 5.2024 và thời gian tới, do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn và các phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì ngày 7.5.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, tiếp tục đà tăng trưởng của quý I/2024, các chỉ số KT-XH của tỉnh trong tháng 4 có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 8,65% so với tháng trước và tăng 15,28% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt 9.900 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng hơn 3.990 tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán năm, tăng 34,3%. Tổng lượng khách du lịch đến Bình Định trong kỳ nghỉ lễ vừa qua đạt hơn 277 nghìn lượt, tăng 11% so với cùng kỳ; tính chung từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ước đón 3,6 triệu lượt khách, tăng 117,6%; doanh thu du lịch 9.314 tỷ đồng, tăng 169,7%.

Tiếp tục hỗ trợ, thu hút các dự án trọng điểm

Chỉ số IIP cùng kỳ năm trước tăng trưởng âm, trong khi từ đầu năm đến nay một số dự án sản xuất công nghiệp trọng điểm đi vào hoạt động khiến chỉ số IIP tháng 4 tăng cao. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số này tăng 9,23%, cao nhất trong 8 năm qua.

 

Chỉ số IIP tháng 4 và các tháng đầu năm nay tăng cao nhờ một số dự án sản xuất công nghiệp trọng điểm đi vào hoạt động.

- Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình đưa vào hoạt động dự án Nhà máy sản xuất gạch, ngói Takao (huyện Tây Sơn) - dự án trọng điểm về sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động trong tháng 4.2024, với quy mô đầu tư 2.000 tỷ đồng. Ảnh: M.H

Cục Thống kê tỉnh dự báo đây là tín hiệu tích cực để ngành công nghiệp của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan trong thời gian tới. “Đặc biệt, với khởi sắc từ sản xuất công nghiệp, chỉ số sử dụng lao động tháng 4.2024 tăng 0,42% so với tháng trước và tăng ở hầu hết các ngành”, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Nguyễn Thị Mỹ thông tin.

Tuy vậy, vấn đề đặt ra là việc thực hiện chỉ tiêu phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được UBND tỉnh giao năm 2024 đạt thấp, đến nay mới chỉ thu hút 18/100 dự án được giao.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế và Sở Công Thương phải rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư đã được giao chỉ tiêu thu hút dự án đầu tư vào các KCN, CCN. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ, đôn đốc DN đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sản xuất. Sở KH&ĐT cùng các địa phương rà soát, đôn đốc, tập trung tháo gỡ vướng mắc để thu hút những nhà đầu tư lớn tại các hội nghị xúc tiến đầu tư vừa rồi của tỉnh.

Ngành thương mại, dịch vụ đóng góp 40% GRDP, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 10% tăng trưởng GRDP, tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho rằng, việc tiếp đà tăng trưởng không đơn giản. Do đó, ngành công nghiệp buộc phải tăng trưởng mạnh để đảm bảo tăng trưởng chung của kinh tế. Muốn vậy phải có những dự án lớn tạo đột phá.

Đảm bảo môi trường an toàn cho phát triển du lịch

Sở Du lịch, các sở, ngành liên quan, địa phương phải quan tâm đến chất lượng dịch vụ du lịch, quản lý điểm đến an toàn cả về vui chơi, an toàn thực phẩm, ANTT cho mùa du lịch hè, không để ảnh hưởng đến thương hiệu, hình ảnh du lịch Bình Định. Các di tích lịch sử văn hóa, các điểm tham quan phục vụ khách phải có kế hoạch mở cửa đón khách trong mùa cao điểm du lịch sắp tới - Chủ tịch UBND tỉnh PHẠM ANH TUẤN

Quản lý chặt hoạt động khai thác khoáng sản

Hiện nông dân toàn tỉnh đã thu hoạch xong diện tích lúa và cây trồng cạn vụ Đông Xuân, đang triển khai vụ Hè Thu. Ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực thực hiện chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa sang cây trồng cạn hoặc không sản xuất để thích ứng với tình hình thiếu nước tưới, khô hạn. Tổng diện tích chuyển đổi vụ Đông Xuân 2023 - 2024 ước đạt 2.646 ha. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, đợt mưa vừa rồi tại một số huyện như Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ giúp bổ sung lượng nước tương đối khá, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương rà soát diện tích chuyển đổi này để có thể thực hiện sản xuất trên tối đa diện tích.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.

Những khó khăn, hạn chế trong công tác thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, quản lý khoáng sản… cũng đặt ra yêu cầu giải quyết cấp bách. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh giao các sở, ngành, địa phương đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Các ngành, địa phương liên quan đôn đốc nhà đầu tư triển khai, khởi công 2 dự án chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp tại 2 huyện Tây Sơn và Phù Cát trong tháng 6 tới. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và các địa phương tập trung giải phóng mặt bằng cho các dự án đã thu hút đầu tư, đồng thời yêu cầu các nhà đầu tư sớm triển khai dự án tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư trong Khu kinh tế Nhơn Hội.

Vấn đề khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép đang là điểm nóng mà Bộ CA đã có chuyên án và giao CA tỉnh trực tiếp theo dõi đôn đốc, đề nghị CA tỉnh vào cuộc ngay từ đầu, theo dõi, giám sát chặt chẽ việc này. “Ai làm sai quy định thì xử lý. Các địa phương phải quản lý, phải làm rất nghiêm túc việc này”, Phó Chủ tịch Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đặc biệt lưu ý, các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng, trình các đề án quản lý và bán tín chỉ các bon; phát triển kinh tế đêm; phát triển công nghiệp bán dẫn; di dời các CCN và di dời tàu cá; tiếp tục triển khai quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Cùng với đó tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung theo dõi, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho người dân và DN... 

Nhiệm vụ trọng tâm tháng 5.2024

Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện di dời các CCN Nhơn Bình, Quang Trung (TP Quy Nhơn) và CCN Gò Đá Trắng (TX An Nhơn). Tăng cường giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, đảm bảo đến ngày 30.6.2024 tỷ lệ giải ngân đạt tối thiểu 40% kế hoạch vốn giao. Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp quý II/2024 đạt từ 7,5 - 8,5%.

Ngành NN&PTNT triển khai đồng bộ các biện pháp tích nước tại các hồ chứa gắn với phương án điều tiết nước tưới để phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân trong mùa khô hạn sắp đến.

Ngành Công Thương phối hợp Cục Quản lý thị trường tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị thương nhân năm 2024; triển khai kịp thời, hiệu quả phương thức vận hành hệ thống điện để đảm bảo điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong cao điểm mùa khô năm 2024.

Ngành Du lịch, VH-TT chuẩn bị chu đáo nội dung và các điều kiện có liên quan để tổ chức tốt lễ hội du lịch Bình Định năm 2024; các giải đấu thể thao như Giải TeqBall Quốc tế, Giải chạy VnExpress Marathon Quy Nhơn 2024, Giải đua xe đạp tỉnh mở rộng năm 2024…

Nguồn Báo Bình Định