CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Vĩnh Thạnh phải đổi mới công tác điều hành, quản lý, tiếp cận cách làm mới
Thứ sáu 12/01/2024 16:22

Sáng 12.1, đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với UBND huyện Vĩnh Thạnh về kết quả KT-XH nổi bật năm 2023 và chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024. Buổi làm việc được tổ chức trực tiếp tại trụ sở UBND tỉnh, kết hợp trực tuyến đến UBND các xã, thị trấn của huyện Vĩnh Thạnh.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TRỌNG LỢI

Cùng dự buổi làm việc tại trụ sở UBND tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (phụ trách địa bàn huyện Vĩnh Thạnh); Nguyễn Tuấn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh báo cáo kết quả phát triển KT-XH năm 2023, các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024. Ảnh: TRỌNG LỢI

Báo cáo tại hội nghị, ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Năm 2023, huyện đạt và vượt 8/14 chỉ tiêu phát triển KT-XH tỉnh giao; 6 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, gồm: Tổng giá trị sản phẩm; tốc độ tăng giá trị sản phẩm; kim ngạch xuất khẩu; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng và tỷ lệ độ che phủ rừng. Năm 2024, Vĩnh Thạnh được UBND tỉnh giao 17 chỉ tiêu phát triển KT-XH, huyện đã giao chỉ tiêu và đề ra các giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành các ngành, xã và thị trấn thực hiện.

Để hiện thực hóa các mục tiêu, huyện đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai, như: Thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Vĩnh Thạnh, đồ án quy hoạch vùng huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Triển khai đồng bộ lập thủ tục trình tỉnh phê duyệt mở rộng CCN Tà Súc giai đoạn 3, gắn với bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch để kêu gọi thu hút đầu tư triển khai thực hiện các quyết định giao chỉ tiêu đầu tư năm 2024 đối với CCN Tà Súc giai đoạn 1, giai đoạn 2. Triển khai thu hút các dự án du lịch mà địa phương có lợi thế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, chuyên nghiệp, có chất lượng cao, rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp…

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT gợi mở các giải pháp phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp để huyện Vĩnh Thạnh nắm bắt, phát triển. Ảnh: TRỌNG LỢI

Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn cao, yêu cầu địa phương cần quan tâm đến công tác giảm nghèo. Ảnh: TRỌNG LỢI

Đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (phụ trách địa bàn huyện Vĩnh Thạnh) trao đổi một số ý kiến xung quanh các giải pháp triển khai phát triển KT-XH của huyện Vĩnh Thạnh trong năm 2024. Ảnh: TRỌNG LỢI

Đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị UBND huyện cần tập trung quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Ảnh: TRỌNG LỢI

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành đã có nhiều ý kiến trao đổi, gợi mở và làm rõ thêm những dư địa, định hướng phát triển trên từng ngành, lĩnh vực của huyện Vĩnh Thạnh, trong đó chỉ rõ những tiềm năng, lợi thế mà huyện đang có để xây dựng kế hoạch đánh thức nhằm thúc đẩy KT-XH phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu kết luận buổi làm việc với UBND huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: TRỌNG LỢI

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn ghi nhận những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Thạnh đã đạt được về phát triển KT-XH trong năm 2023.

Trong năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo địa phương phải đổi mới công tác điều hành, quản lý, tiếp cận cách làm mới, lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực để xây dựng, phát triển KT-XH. “Chính quyền không gần dân, hiểu dân là nguy hiểm”, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, đồng thời đề nghị huyện chuẩn bị những giải pháp cụ thể, thiết thực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển theo quy hoạch tỉnh.

Đi thẳng vào từng lĩnh vực, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu địa phương phải rà soát, phân vùng sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) phù hợp. Trong đó, tính toán ưu tiên phát triển cây mì để cung cấp nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột mì đặt ở địa bàn và một số nhà máy trong tỉnh; đẩy mạnh chăn nuôi bò thịt thương phẩm, gà thả đồi, nuôi cá điêu hồng bằng lồng bè trên hồ Định Bình. Tăng cường công tác bảo vệ rừng, đẩy mạnh phát triển rừng gỗ lớn, tiến tới làm tín chỉ carbon, tiếp cận với nguồn chi trả giảm phát thải nhà kính, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng, qua đó thu hút các nhà đầu tư về địa phương.

Về công nghiệp, tập trung phát triển năng lượng tái tạo (điện gió); quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, ưu tiên xây dựng hoàn thiện 1 - 2 CCN gắn với hoạt động sản xuất, chế biến nông, lâm sản. Bên cạnh đó, huyện cần chú trọng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, rừng, hồ; du lịch lịch sử - văn hóa (thành Tà Kơn, suối Tà Má, vườn hoa anh đào, các hồ thủy lợi, thủy điện…), đặc biệt là tập trung đầu tư xây dựng suối nước nóng Vĩnh Thịnh, qua đó tạo đà cho du lịch địa phương phát triển.

Đi đôi với hoạt động phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý UBND huyện Vĩnh Thạnh cần thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, nhất là tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự; tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, chống lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn. Triển khai đồng bộ các biện pháp, quyết liệt nhằm chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số. Chú trọng công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bộ máy chính trị phải trong sạch, vững mạnh, phải tránh sách nhiễu, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ tận tụy với công việc, đủ năng lực, phẩm chất để làm việc…

TRỌNG LỢI - Nguồn Báo Bình Định